Thứ hai 25/11/2024 12:41

Củng cố hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phù hợp với pháp luật Việt Nam và chuẩn mực quốc tế, TANDTC tổ chức Hội thảo “Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên”…
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND TC phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND TC phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) vẫn nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả. Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống pháp luật về người chưa thành niên. Tùy từng quốc gia mà hệ thống pháp luật này có sự khác nhau. Pháp luật về người chưa thành niên được thể hiện theo hai hình thức cơ bản.

Một là, theo truyền thống, nhiều quốc gia giải quyết các quyền của người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp bằng cách quy định một chương riêng về xử lý người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả vì nó chỉ mang lại những sửa đổi nhỏ đối với các hệ thống và quy trình được thiết kế chủ yếu cho người lớn.

Hai là, các quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc củng cố hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên và cũng là xu hướng phổ biến hiện nay là ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp cho người chưa thành niên (22 quốc gia và vùng lãnh thổ). Mới đây nhất, tại Pháp đã ban hành Bộ luật Tư pháp hình sự cho trẻ em vị thành niên có hiệu lực từ ngày 30-9-2021.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia nhiều văn kiện quốc tế về quyền trẻ em, để từng bước thực hiện những cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tư pháp người chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ cần hướng đến trong thời gian tới.

Để có cơ sở góp ý đề xuất dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, cũng như để các cơ quan, tổ chức quốc tế góp ý phù hợp với thông lệ quốc tế, đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC đã trình bày Đề cương “Luật Tư pháp người chưa thành niên” với 5 phần, 126 điều gồm: những quy định chung; biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; xử lý hình sự đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; điều khoản thi hành.

Để có góc nhìn tổng quan hơn về đề cương mà Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC đã đề xuất, các chuyên gia tham dự từng nghiên cứu nhiều năm nay về vấn đề này đã lần lượt cho ý kiến cụ thể đối với đề cương để có thêm định hướng cần nghiên cứu, về phạm vi dự án luật cần điều chỉnh.

Cùng với đó, để hiểu rõ và thêm nhiều nguồn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, hội nghị đã được nghe những chia sẻ của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Australia, Mỹ về quy định tư pháp người chưa thành niên và những khuyến nghị cho đề cương mà Việt Nam đề xuất.

Phát biểu kết luận, PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đánh giá hội thảo là một chương trình thiết thực, hữu ích, các chuyên gia tham dự đều mang đến trách nhiệm cao đối với tư pháp người chưa thành niên.

Qua các ý kiến của các chuyên gia có thể thấy rất cần thiết phải xây dựng đạo luật về người chưa thành niên, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận, các sáng kiến của các quốc gia có tính chất gợi mở, sáng tạo. Trong thời gian tới Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cơ quan tham mưu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh phù hợp với tình hình và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến để dự thảo sớm có thể trình ra Quốc hội.

Ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA nhấn mạnh, việc xây dựng một Luật Tư pháp người chưa thành niên riêng biệt mà phía TANDTC Việt Nam dự thảo luật là một bước tiến quan trọng và là một giải pháp hết sức hiệu quả để có thể đảm bảo được những quyền lợi của người chưa thành niên. Hội thảo này là một cơ hội để cho các chuyên quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời giúp cho phía Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, để đảm bảo tính hiệu quả của văn bản pháp luật này trước khi được thông qua trong thời gian tới.
Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động