Xây dựng Luật Tư pháp cho người chưa thành niên để đảm bảo quyền lợi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXây dựng Luật Tư pháp cho người chưa thành niên để đảm bảo quyền lợi |
Đây là thực trạng được phản ánh tại Hội thảo tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên vừa được TAND tối cao tổ chức. Hội thảo nhằm tham vấn kinh nghiệm quốc tế chuẩn bị cho quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vào năm 2022.
Thông tin tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) vẫn nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả.
Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này. Mặt khác, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia nhiều văn kiện quốc tế về quyền trẻ em, để từng bước thực hiện những cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tư pháp người chưa thành niên do đó là một trong những nhiệm vụ cần hướng đến trong thời gian tới.
Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, việc xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục, xử lý người chưa thành niên. Đây cũng là tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, giúp cho việc giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên được nhanh chóng và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.
Bà Shelley Casey, Chuyên gia UNICEF Việt Nam tại Úc cho biết UNICEF đánh giá cao sáng kiến của TAND tối cao Việt Nam trong việc đề xuất một đạo luật mang tính toán diện về tư pháp với người chưa thành niên.
Việc xây dựng một đạo luật toàn diện là cách hiệu quả để hợp nhất và mở rộng các điều luận liên quan đến người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp và đưa ra những cải cách mạnh dạn để làm hài hòa hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam với chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới.
Một đạo luật toàn diện về tư pháp với người chưa thành niên sẽ quy định rõ ràng hơn việc xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn của quá trình xử lý vi phạm hành chính và tư pháp hình sự, và đảm bảo rằng tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan đến hệ thống tư pháp cùng hợp tác hướng tới các mục đích và mục tiêu chung.
Trước đó, theo Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khoá XV, TAND tối cao được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh, trong đó có việc xây dựng Luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên.
Dự án Luật này sẽ cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.
Hiện TAND tối cao đã xây dựng dự thảo đề cương “Luật Tư pháp cho người chưa thành niên” với với 5 phần, 126 điều gồm: những quy định chung; biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; xử lý hình sự đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; điều khoản thi hành. Trên cơ sở ý kiến góp ý, dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại