Chủ nhật 24/11/2024 11:25

Công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn bị cưỡng chế dù “thoát” xử phạt hành chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) “thoát” bị xử phạt hành chính vì đã hết thời hạn để cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Điều này khiến chủ đầu tư tưởng công trình nằm ngoài vòng xử lý của pháp luật. Trên thực tế, những công trình vi phạm này vẫn bị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Công trình xây trên đất nông nghiệp tại thôn Độc Lập, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội gần 3 năm vẫn chưa bị các cấp chính quyền xử lý        Ảnh: G.B
Công trình xây trên đất nông nghiệp tại thôn Độc Lập, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội gần 3 năm vẫn chưa bị các cấp chính quyền xử lý. Ảnh: G.B

Đầu xuôi nhưng đuôi không lọt

Xây dựng tầng 6 không phép từ năm 2018 nhưng không bị UBND phường và lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT) ra quyết định xử phạt hành chính, chị Nguyễn Thị Liên Hương, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội tưởng công trình của mình “thoát nạn”. Bất ngờ, thời điểm tháng 8-2021, chị nhận được: “Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” của UBND quận Đống Đa, Hà Nội.

Quyết định nói rõ, chị không bị áp dụng quyết định xử phạt hành chính vì đã hết thời gian ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, công trình của gia đình chị không có giấy phép xây dựng nên UBND quận Đống Đa vẫn viện dẫn nhiều nghị định, thông tư, trong đó có Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/BXD. UBND quận Đống Đa yêu cầu chị phải khắc phục hậu quả bằng cách tự tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Nếu không thực hiện, phần xây dựng vi phạm sẽ bị chính quyền cưỡng chế.

Tại Hà Nội, những công trình giống như gia đình chị Hương không phải hiếm. Năm 2019, thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy số trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng từ năm 2015-2016 đến tháng 11-2018 tại địa bàn 16 quận, huyện TP Hà Nội là 44 trường hợp. Trong đó, nhiều công trình mặc dù có sự đôn đốc của Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện từng bước phân loại, đề xuất các phương án để giải quyết dứt điểm nhưng việc xử lý chưa đúng tiến độ, để kéo dài…

Theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trường hợp công trình vi phạm TTXD hết thời hạn chính quyền ra quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như trường hợp của gia đình chị Hương, phường Ô Chợ Dừa hoàn toàn có căn cứ. Cụ thể, theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm về xây dựng được quy định là 01 năm. Quá thời gian này, cơ quan chức năng sẽ áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính để lấy đó làm căn cứ không ra quyết định xử phạt hành chính.

Không bị xử phạt hành chính không có nghĩa công trình vi phạm sẽ miễn bị xử lý. Bởi căn cứ vào Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2018/BXD của Bộ Xây dựng, đối với trường hợp có vi phạm về xây dựng: xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà pháp luật quy định phải có giấy phép xây dựng mà hết thời hiệu xử phạt thì không ra quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Theo kĩ sư xây dựng Hoàng Mạnh Hà, UBND quận Đống Đa yêu cầu chủ công trình phải tự tháo dỡ công trình là có căn cứ. Nhưng UBND quận ra thời hạn 10 ngày để chủ công trình tự khắc phục hậu quả là chưa chặt chẽ. Theo quy định, trước khi tháo dỡ phần vi phạm, chủ công trình phải lên phương án tháo dỡ, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Các phương án này phải được cơ quan chuyên môn thẩm định và đồng ý.

Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành.

Công trình vì đâu bị buông lỏng

Theo luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội, để công trình vi phạm TTXD nhưng không bị phát hiện và xử lý kịp thời, ngoài việc lãnh đạo UBND quận xử lý chủ công trình, còn cần xử lý nghiêm lãnh đạo quản lý trật tự xây dựng đô thị phường cùng cán bộ TTXDĐT vì buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả rắc rối sau này.

Hiện Hà Nội vẫn còn không ít công trình bị phát hiện vi phạm pháp luật về xây dựng nhưng chậm bị xử lý. Nguyên nhân bắt nguồn ở nhiều nơi các cấp lãnh đạo, cấp ủy chính quyền chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết của ban thường vụ quận ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có nơi, có thời điểm buông lỏng công tác quản lý TTXD. Hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm, vẫn còn tình trạng xử lý một đằng báo cáo một nẻo.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 tại một số UBND quận, huyện, đội QLTTXDĐT báo cáo chưa đầy đủ, chưa đúng thời hạn, số liệu báo cáo chưa chính xác, không thống nhất số liệu giữa các lần báo cáo. Có sự sai lệch số liệu giữa UBND quận, huyện với số liệu của đội QLTTXDĐT, không gửi báo cáo bản chính... gây khó khăn cho công tác tổng hợp tình hình TTXD chung của Sở Xây dựng. Các đội QLTTXDĐT gửi báo cáo tổng hợp mà không gửi bản ký, đóng dấu của cơ quan ban hành, không đảm bảo tính pháp lý khi tổng hợp số liệu: Cầu Giấy 7/7 tháng; Hà Đông 6/7 tháng; Thạch Thất 5/7 tháng; Chương Mỹ 3/7 tháng.

Báo cáo hàng tháng của UBND quận Thanh Xuân gửi lên Sở Xây dựng có 3 công trình vi phạm (theo kết quả tổng hợp báo cáo các tháng riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm), trong khi báo cáo tổng hợp 6 tháng đầu năm 2021 của quận lại có 6 công trình vi phạm.

Còn trong báo cáo hàng tháng của Đội QLTTXDĐT huyện Quốc Oai gửi lên Thanh tra Sở có 3 công trình vi phạm (theo kết quả tổng hợp báo cáo các tháng riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2021), trong khi báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của UBND huyện Quốc Oai báo cáo 5 công trình vi phạm. Đáng chú ý, Đội QLTTXDĐT huyện Quốc Oai tổng hợp số liệu báo cáo không phản ánh đúng hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện (5 công trình xây dựng) so với số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của UBND huyện Quốc Oai (số công trình xây dựng trên địa bàn 21 công trình)...

Ngoài ra, có sự sai lệch giữa tổng số các công trình xây dựng theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 so với báo cáo các tháng từ 15-10-2020 đến 15-5-2021 của một số đội QLTTXDĐT quận, huyện như: Thanh Xuân 362/359, Quốc Oai 5/4, Chương Mỹ 313/270, Cầu Giấy 236/211.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn 9 tháng năm 2021 cho thấy UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý TTXDĐT quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 11.079 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 248 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,238%. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 167/248 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81/248 trường hợp.
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động