Công tác tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHòa giải viên thôn 6, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội tại buổi tuyên truyền thuyết phục người dân di dời phần mộ, phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Công Phương |
Vừa qua Sở đã phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện năm 2024. Ông Nguyễn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đã được Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện. Công tác hòa giải đã có những đóng góp và có ý nghĩa quan trọng vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện hiện nay vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Trong đó, một số đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác hòa giải ở cơ sở; năng lực, nghiệp vụ hòa giải của hòa giải viên ở một số tổ hòa giải chưa cao, chưa có kinh nghiệm; hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa được phát huy; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa đồng bộ, chặt chẽ…
Do đó, được sự phối hợp của Sở Tư pháp TP Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở; cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các hòa giải viên; góp phần giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư; hạn chế đơn thư khiếu kiện trong Nhân dân, từng bước xây dựng thói quen, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
Hơn 230 hòa giải viên cơ sở đã được Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - báo cáo viên pháp luật Trung ương, Chuyên viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024 và một số kỹ năng, kiến thức pháp luật trong công tác hòa giải.
Theo Tiến sỹ Đỗ Xuân Lân chia sẻ, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, thay thế Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều. Luật đã thể chế nhiều nội dung mới mang tính chất đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Đỗ Xuân Lân cũng đã hướng dẫn các kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở và một số tình huống hòa giải cụ thể thường xảy ra trong cuộc sống. Những ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ của đại biểu tại hội nghị đã được đồng chí báo cáo viên trực tiếp giải đáp, làm rõ…
Ông Bùi Thế Công - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoài Đức cho biết, buổi tập huấn rất ý nghĩa và thiết thực, các hòa giải viên ở cơ sở được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để áp dụng, vận dụng vào thực tiễn công tác. Những kiến thức cập nhật mới giúp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đạt được những kết quả cao hơn. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phấn đấu để các xã trở thành phường và huyện Hoài Đức trở thành quận theo kế hoạch đã đề ra.
“Gương vỡ lại lành” nhờ hòa giải viên | |
Mất tình xóm giềng từ việc xây dựng ống thoát nước thải |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại