Thứ tư 24/04/2024 07:24

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 30-12, Hội nghị Tổng kết thực hiện Kế hoạch 195/KH-UBND về “Phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ giai đoạn 2017 – 2021” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Phùng Văn Dũng, phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng đại diện Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật- Bộ Tư pháp, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 20-10-2016 của UBND Thành phố Hà Nội về “Phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2021”, trong 5 năm qua, các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, linh hoạt, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, internet phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19, thu hút được đông đảo các tầng lớp phụ nữ và nhân dân tham gia.

Năm năm qua, Hội LHPN các cấp đã tổ chức 1.814 cuộc truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng cho hơn 300 nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Thành phố các quy định pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, đất đai, giao thông đường bộ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lao động, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, hình sự, dân sự… gắn với việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử của Thành phố.

Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 130 cuộc tuyên truyền cho gần 10 nghìn nữ đoàn viên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hội Nông dân Thành phố tổ chức 150 cuộc cho hơn 18 ngìn lượt người nông dân trong đó nữ nông dân chiếm tỷ lệ lớn.

Công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống ma túy, mại dâm cho phụ nữ được quan tâm. Hội LHPN Hà Nội phối hợp bới Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”. Trong 5 năm qua, đã tổ chức 155 cuộc tập huấn, tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm tới trên 23.250 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; Lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, sinh hoạt chi tổ phụ nữ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, các loại hình CLB… được 1.125 cuộc cho 56.250 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình tham dự...

Công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 thường xuyên được cập nhật tới các hội viên phụ nữ thông qua nhiều hình thức, đăng tin bài tuyên truyền về các Chỉ thị của Chính phủ, UBND Thành phố, chỉ đạo của BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố, thông tin tình hình dịch bệnh, mô hình cách làm hay trong phòng chống dịch qua hệ thống văn bản chỉ đạo, báo Phụ nữ Thủ đô, cổng thông tin điện tử của Hội, fanpage, các mạng xã hội; Thường xuyên nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, hội viên phụ nữ; vận động hội viên phụ nữ tải ứng dụng NCOVI; Blue zone cập nhật tình hình dịch bệnh, thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ y tế.

Trong 5 năm đã tổ chức 679 buổi trợ giúp pháp lý cho 293.023 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và tư vấn trực tiếp cho 5.440 trường hợp về lĩnh vực hôn nhân gia đình, thừa kế đất đai, phòng chống bạo lực gia đình…

Phát hành 23.339.648 bản tài liệu về các nội dung: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Bộ Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật dân sự, Luật Tố tụng Dân sự; Luật Trẻ em; Luật Bình đẳng giới…

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm
Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm

Hội nghị đã nghe các ý tham luận của các đại biểu, đại diện cho các ban ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ghi nhận những đóng góp trong công tác PBGDPL nâng cao hiểu biết ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá những hạn chế, bài học kinh nghiệm cũng như phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới…

Trình bày kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 - 2026, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhấn mạnh, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn tơi sẽ tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; có sự kết hợp, lồng ghép với việc triển khai các Chương trình, Đề án, nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội có liên quan của địa phương, đơn vị; Tập trung tuyên truyền trong các đợt cao điểm tại địa bàn trọng điểm, phức tạp, quan tâm nhóm phụ nữ đặc thù; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời đổi mới nội dụng, đa dạng hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật… Chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho phụ nữ tại cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố, đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ trong 5 năm qua. Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội LHPN Hà Nội với vai trò và trách nhiệm của một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho giới nữ; bám sát định hướng chỉ đạo các cấp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, cần tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi; xây dựng thái độ tôn trọng tôn vinh, bảo vệ phụ nữ, phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ; đấu tranh, phê phán chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm, xâm hại nhân phẩm phụ nữ. Hội chủ động rà soát chính sách quy định hiện hành và thực tiễn chính sách của các vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái, bình đẳng giới trong gia đình để đề xuất các chính sách cho lao động nữ, cán bộ nữ… và chính sách chăm lo cho đối tượng đặc thù.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Hội LHPN Hà Nội và các sở, ban ngành đoàn thể của Thành phố nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả tối ưu trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ và nhân dân Thủ đô, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và 10 chương trình công tác của Thành ủy.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động