Còn không ý nghĩa của lời thề Hippocrates?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhập nhèm công dụng, giá thuốc nhảy múa
Theo đó, ngày 24-7, công văn 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được ban hành.
Sau khi văn bản này xuất hiện, ngay lập tức có rất nhiều những bài viết về công dụng “điều trị” Covid-19 và đầy đủ giá thành của các sản phẩm này. Đáng nói, thậm chí nhiều sản phẩm trong danh mục 12 sản phẩm mà Bộ Y tế “nêu tên” có hiện tượng tăng giá, hoặc để giá bán không theo một… quy tắc nào.
Một số các sản phẩm trong danh mục sử dụng để phòng, chống dịch Covid-19 |
Cụ thể, ngay sau khi cái tên Kovir của Sao Thái Dương được “xướng” trong danh mục thuốc của Bộ y tế trong việc điều trị bệnh Covid-19, trên mạng xuất hiện những bài viết trên nội dung khẳng định như đinh đóng cột công dụng “thần thánh” trong điều trị Covid-19. Bài viết có đoạn như sau: “21 bệnh nhân trong đó có 3 bệnh nhân là nhân viên nhà thuốc Đức Tâm, điều trị tại BVĐK Đức Giang đã giảm và hết các triệu chứng ho sốt sau 2 ngày uống Kovir nang cứng 2 viên x 4 lần/ngày. 6 bệnh nhân là nhân viên bán thuốc tại 95 Láng Hạ điều trị tại BVĐK Hà Đông đã hết triệu chứng ho sốt sau 1 ngày sử dụng Kovir nang cứng…”.
Họ còn khẳng định: “Các sản phẩm đã trải qua quá trình nghiên cứu nhiều năm để điều trị virus từ dịch SARS 2003…” và sản phẩm đã tham gia chống dịch tại BV Y học cổ truyền Bắc Giang. Giá chào mời để sở hữu một sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 2 vỉ x 15 viên) là 1.000.000 đồng. Cùng với đó, cũng vẫn sản phẩm Kovir, nhưng dạng nang mềm, trước đang được bán ở các cửa hàng thuốc với giá dao động từ 110.000 – 180.000 đồng, mới đây đã được Sao Thái Dương đăng giá bán lên… 250.000 đồng.
Tuy nhiên thực tế theo PV tìm hiểu, viên nang mềm Kovir của Sao Thái Dương đã được Cục An toàn cấp giấy xác nhận năm 2017, với công dụng: Hỗ trợ bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng do virus, vi khuẩn (đau mắt đỏ, sởi, thủy đậu, sốt phát ban, viêm đường hô hấp) cảm cúm. Tháng 9-2020, sản phẩm này đã bị Cục An toàn Thực phẩm “tuýt còi”, sau khi Kovir khẳng định có công dụng hiệu quả, hỗ trợ điều trị Covid. Cục khẳng định rằng, không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ Covid-19.
Còn đối với viên nang cứng, đây là sản phẩm mới được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5819/2021/ĐKSP ngày 25-6-2021.
Cùng thời điểm, sau khi xuất hiện công văn 5944/BYT-YHCT, trên thị trường xuất hiện 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 với hai logo Toàn lộc và Nhất Lộc với công dụng: Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19…
Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm đã khẳng định, 2 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục. Như vậy, 2 sản phẩm trên là giả mạo.
Không chỉ 2 sản phẩm Kovir, Xuyên Tâm Liên… một số các sản phẩm có tên trong danh sách cũng tiếp tục được dư luận quan tâm và nghi ngờ về công dụng điều trị của nó. Trong đó, có phản ánh về sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất với công dụng trị các chứng huyết hư, ứ trệ; phòng ngừa và điều trị thiểu năng tuần hoàn não… không có liên quan đến bất kỳ đến bệnh Covid cũng được đưa vào.
Còn không ý nghĩa của lời thề Hippocrates?
Mặc dù ngày 26-7, Bộ Y tế có văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi các Sở y tế các tỉnh, thành, các BV y học cổ truyền Bộ, ngành và các tỉnh TP, các BV chuyên khoa… về việc thu hồi công văn 5944/BYT-YHCT. Thế nhưng câu chuyện trong vài ngày ngắn ngủi vừa qua lại khiến không ít lòng tin của người ta chao đảo.
Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao với một sản phẩm Kovir, năm 2020 Cục An toàn thực phẩm đã phủ định việc điều trị hay hỗ trợ điều trị của sản phẩm này, vậy tại sao chưa đến một năm nay, sản phẩm này lại có trong danh mục điều trị Covid? Hay Hoạt huyết Nhất Nhất, có hay không việc đi “cửa sau” để một sản phẩm vốn cái tên đã phần nào nói lên công dụng mang đi điều trị một bệnh… chẳng liên quan.
Trong mùa dịch, với vài nghìn ca một ngày ở TP HCM, với một Hà Nội tăng cường mọi biện pháp để phòng, chống dịch… Người dân không ít đã chao đảo vì miếng cơm manh áo, bởi rằng việc tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch của chính quyền có nghĩa rằng thu nhập ít đi. Và người ta cố gắng tiết giảm các nhu cầu, tập trung tất cả vào mọi câu chuyện về sức khỏe. Sau công văn của Bộ y tế và danh mục kia được đưa ra, tôi tin, nhiều người sẽ thắt lưng buộc bụng mà bỏ tiền để mua chúng.
Việc tăng giá thuốc, thổi phồng công dụng chữa bệnh hoặc làm thuốc giả… là một tệ nạn nhức nhối. Không giống như bao những sản phẩm khác, việc sử dụng thuốc sai đôi khi đồng nghĩa cướp đi một cơ hội sống của bệnh nhân.
Hơn nữa, bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Việc bất chấp để đưa thuốc đến tay người dân, để họ tự ý sử dụng, sử dụng không đúng cách dẫn tới không phòng chống được bệnh, mà còn có thể gây tổn hại.
Thế nhưng vẫn có những cá nhân, DN bất chấp… Chuyện đục nước béo cò thì khi nào cũng có. Năm ngoái, khi người ta mới biết đến Covid-19 thì người dân mệt mỏi đến oán hận vì những kẻ thời cơ găm hàng và tăng giá khẩu trang. Năm nay, sự tăng giá và nhập nhèm trong tính giá hàng hóa của Bách Hóa Xanh khiến người dân tẩy chay.Thì nay câu chuyện thuốc giả, thực phẩm chức năng “đội lốt” thuốc chữa bệnh cùng với giá cả tăng phi mã khiến nhiều người phẫn nộ.
Trong bất kỳ thời nào, thì ngành y dược luôn được trân trọng. Và nếu ở Việt Nam có 12 điều y đức, thì cả ngành y trên thế giới đều chung lời thề Hippocrates. Và trong đó, có những nội dung rằng: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của BS phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.”; “Tôi luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào...”
Nếu vì lợi ích của DN, của bản thân mà bất chấp tất cả, như vậy, với câu chuyện Kovir, với câu chuyện Xuyên Tâm Liên, hoạt huyết Nhất Nhất… thì lời thề Hippocrates còn ý nghĩa nữa không?!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại