Có thể bị xử lý về nhiều tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTin nhắn mạo danh gửi tới người dân có dấu hiệu lừa đảo Ảnh chụp màn hình |
Nhiều kẻ lừa đảo giả mạo lãnh đạo
Ban tuyên giáo TP Hải Phòng cho biết, nhiều người dân Hải Phòng nhận được tin nhắn với nội dung "…Tôi là Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, đây là số điện thoại riêng của tôi, hãy lưu lại và hồi âm cho tôi".
Một số người tò mò nhắn tin hồi đáp thì người nhắn tin ngỏ ý mượn hàng trăm triệu đồng để xử lý việc gấp và đề nghị chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng.
Không chỉ Hải Phòng, nhiều tỉnh từ Nam ra Bắc đều phát đi thông báo về việc thời gian gần đây, nhiều kẻ lừa đảo giả mạo tài khoản Zalo, Facebook, gmail của lãnh đạo tỉnh, Sở, ban ngành, GĐ các Cty…để nhờ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.
Cụ thể, ngày 10-3, chị Thân Thanh H, cán bộ ở một huyện của tỉnh Bắc Giang nhận được lời mời kết bạn trên Zalo từ một tài khoản mang tên lãnh đạo một ngành của tỉnh với ảnh đại diện là chân dung đồng chí đó. Thấy vậy, chị H đồng ý kết bạn. Vài phút sau thấy nhắn tin: “Có đấy không?”… “Anh đang họp, nhưng có việc gấp muốn nhờ em xử lý giúp”… “Nếu được, em chuyển cho anh 15 triệu đồng vào số tài khoản…”. “Chút nữa họp xong, anh sẽ chuyển trả”…
Chị H làm theo đề nghị đó. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, chị H thấy nghi ngờ nên gọi điện kiểm tra mới biết đã bị lừa.
Theo CQCA thời gian gần đây, trên một số tỉnh xuất hiện một số vụ đối tượng lấy hình ảnh đại diện từ Zalo, Facebook của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một số Sở, ban, ngành tỉnh và địa phương để lập tài khoản Zalo, Facebook mạo danh.
Từ đó, đối tượng gửi lời kết bạn rồi nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới của người bị mạo danh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền thiệt hại từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Trang bị kỹ năng là cần thiết
Liên quan đến những vụ việc lừa đảo trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc giả mạo Bí thư Thành ủy của một TP lớn để vay tiền nhiều người là chuyện khá bất ngờ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của vị cán bộ này và có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của nhiều người, gây hoang mang trong dư luận. Do đó, CQĐT cần sớm xác minh làm rõ sự việc, hậu quả của hành vi để xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hành vi của đối tượng này là đưa thông tin trái phép trên mạng internet, vi phạm quy định của Luật An ninh mạng, xâm phạm đến uy tín của công dân, của cán bộ và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Vì vậy, đối tượng này có thể bị xử lý về nhiều tội danh khác nhau, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Luật sư cho rằng, trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có người chuyển tiền cho đối tượng này do tưởng rằng đây là Bí thư Thành ủy Hải Phòng và đối tượng này đã chiếm đoạt số tiền của nạn nhân với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành tội phạm kể từ thời điểm đối tượng thực hiện 2 hành vi là "gian dối" và "chiếm đoạt" tài sản của nạn nhân. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi thực hiện đồng thời cả hai hành vi là gian dối và chiếm đoạt. Nếu chỉ có hành vi gian dối nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân thì hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Bên cạnh đó, hành vi đưa những thông tin giả mạo, sai sự thật qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 16 và Điều 18 Luật An ninh mạng, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi đưa thông tin trái phép có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi này gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của Bí thư Thành ủy Hải Phòng nên có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông" theo quy định tại Điều 288 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức chế tài có thể lên đến 7 năm tù.
Ngoài ra, CQĐT sẽ làm rõ đối tượng này đã thực hiện hành vi thu thập thông tin trái phép như thế nào? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này đã thực hiện hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt thông tin của người khác nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo quy định tại Điều 289 BLHS, với hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
“Vụ việc này một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an ninh, an toàn trên không gian mạng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Việc đấu tranh phòng và chống tội phạm công nghệ cao cần phải được triển khai mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Người dân cần phải có những hiểu biết, có kỹ năng và được trang bị những kiến thức cần thiết để ứng phó với các tình huống có thể trở thành nạn nhân trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay”, luật sư Nguyên kiến nghị. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại