Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Bác sĩ dởm” Nguyễn Quốc Khiêm |
Giả danh bác sĩ để vào khu điều trị F0
Ngày 23-2, CA TP.HCM thông tin về kết quả xác minh bước đầu vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả mạo sinh viên Y dược và bác sĩ để làm việc tại khu cách ly và điều trị Covid-19 ở quận 12. Theo đó, ngày 22-2, khi báo chí phản ánh về trường hợp bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm, CA TP.HCM đã phối hợp cùng CA quận 12 để kiểm tra, xác minh thông tin.
Đến nay, CQCA xác định, khoảng tháng 7-2021, căn cứ đề nghị của UBND quận 12 về việc cử nhân sự tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly trường CĐ Điện lực TP.HCM (đóng trên địa bàn quận 12), trường ĐH Y dược TP.HCM đã tạo lập nhóm “chat” trên mạng xã hội để sinh viên đăng ký tham gia theo hướng dẫn, bằng đường link Google Form và nộp kèm bản photo thẻ sinh viên.
Thời điểm này, dịch bệnh đang bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, cơ quan chức năng tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Lợi dụng sơ suất trong việc kiểm tra thông tin do sinh viên cung cấp, Nguyễn Quốc Khiêm, SN 1998, quê Ninh Thuận, tạm trú phường 15, quận 10 đã tự tìm kiếm trên mạng hình ảnh, mẫu thẻ sinh viên của trường ĐH Y dược TP.HCM để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh của bản thân; sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên và đã được trường này tuyển chọn tham gia.
CA làm rõ, Khiêm từng theo học trường CĐ chuyên ngành Y sĩ đa khoa, niên khóa 2016 - 2018, đã nghỉ học, chưa tốt nghiệp.
Ngày 16-8-2021, Trung tâm Y tế quận 12 đã có quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung và điều trị Covid-19 ở trường CĐ Điện lực TP.HCM. Theo đó, nhiệm vụ của Khiêm là tiếp nhận, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân nhiễm Covid-19 và những trường hợp tiếp xúc gần (F1), kiêm nhiệm công tác hậu cần…
Tháng 9-2021, ngay sau khi việc giả mạo sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM có dấu hiệu bị “bại lộ”, lấy lý do cá nhân, Khiêm đã nghỉ việc tại khu cách ly và điều trị Covid-19 ở trường CĐ Điện lực TP.HCM.
Hiện CA TP.HCM tiếp tục làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thẻ sinh viên giả của Nguyễn Quốc Khiêm |
Chế tài cho “bác sĩ dởm”
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là sự việc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm để xử lý theo quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện của người này và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh.
Luật sư Thái cho biết, nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà Khiêm làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân, Khiêm có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” theo quy định tại Điều 315 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể điều luật quy định, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Trường hợp gây thiệt mạng cho 3 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể tới 15 năm tù.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình Khiêm mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, hành vi này vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS năm 2015 và tội “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức”, tội “Sử dụng tài liệu con dấu giả” theo Điều 341 BLHS năm 2015.
“Với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm liên tục, kéo dài như vậy, mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau. Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định Thẻ sinh viên và các văn bản giấy tờ mà Khiên đã ký để đánh giá yếu tố pháp lý, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”, luật sư Thái nhấn mạnh.
“Những vấn đề phát sinh từ dịch bệnh như mua sắm thiết bị, vật tư y tế, quá trình quản lý ngân sách, chi tiêu trong hoạt động khám chữa bệnh và các vấn đề nãy sinh như trong vụ việc này là những vấn đề rất đáng buồn. Mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Những người vì cộng đồng, có thành tích, công sức thì phải được khen ngợi, còn những người vi phạm thì phải xử lý trước pháp luật để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật”, luật sư Thái cho hay. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại