Có nên tăng hình phạt với người chưa thành niên?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghi phạm P.V.H tại CQCA |
Mức án nào dành cho nghi phạm?
Ngày 13-11, CATP Đà Nẵng cho biết đã lấy lời khai ban đầu, tiếp tục truy xét các đối tượng liên quan vụ 2 nhóm ẩu đả khiến 1 thiếu niên 13 tuổi bị đâm tử vong vào chiều 12-11.
Trước đó, ngay trong tối 12-11, Phòng CSHS CATP Đà Nẵng phối hợp với CA quận Cẩm Lệ và CA phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đã bắt giữ nghi phạm Phan Văn H, SN 2005, trú phường Khuê Mỹ.
Tại CQĐT, H. khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, do có mâu thuẫn từ trước nên trưa 12-11, hai nhóm thiếu niên, trong đó có H và nạn nhân N.T.Đ, SN 2008, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, hẹn nhau tới một quán cà phê trên đường Yên Thế, quận Cẩm Lệ để giải quyết mâu thuẫn.
Sau nhiều lần khiêu khích nhau, nạn nhân Đ cầm theo hung khí là một cây dao tự chế đuổi đánh H. Trong lúc truy đuổi, Đ bất ngờ làm rớt hung khí. Lúc này, H. sử dụng con dao bấm thủ sẵn trong người đâm vào nạn nhân hai nhát. Trong đó, nhát chí mạng được xác định ở vùng cổ khiến người này tử vong tại chỗ.
Gây án xong, H trở về nhà lẩn trốn và sau đó bị lực lượng CA bắt giữ. Hung khí gây án là một con dao bấm, sắc nhọn cũng đã được thu giữ. CATP Đà Nẵng đang tiếp tục truy xét các đối tượng có liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ án.
Liên quan đến vụ án này, nhiều người đặt câu hỏi, thiếu niên này có chịu mức án cao nhất tù chung thân hoặc tử hình theo Điều 123 BLHS năm 2015 hay không? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc nghi phạm dùng hung khí nguy hiểm (dao nhọn) để đoạt mạng nạn nhân sẽ bị xét tình tiết tăng nặng như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn. “Hành vi này thỏa mãn cấu thành tội “Giết người”, với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ” theo Điểm n Khoản 1 Điều 123, BLHS”, luật sư Thái nhận định.
Với hành vi giết người của H, luật sư Thái cho biết, đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, vì thiếu niên gây án mới 16 tuổi nên được áp dụng thêm các quy định về người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này được quy định tại khoản 5 điều 91, BLHS quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo đó, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Hiện trường vụ án mạng khiến thiếu niên 13 tuổi tử vong |
Tăng cường giáo dục cho các em, để phòng ngừa xảy ra tội phạm
Luật sư Thái cũng cho biết, quy định xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm. Việc xử lý phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ, nguyên nhân và điều kiện gây án.
“Việc để người chưa thành niên phạm tội có lỗi của gia đình và xã hội. Do đó, chính sách hình sự ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới hướng đến việc cải tạo, phòng ngừa, giáo dục”, luật sư Thái nói.
Trước câu hỏi là tình hình tội phạm ngày càng trẻ, có nên tăng hình phạt với người chưa thành niên? Luật sư Thái cho rằng, người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí, tâm lí và ý thức. Đây là giai đoạn diễn ra những biến cố rất đặc biệt, có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên.
Trên thực tế, trạng thái thần kinh, trạng thái cảm xúc không cân bằng là yếu tố gây nên các hành vi lệch chuẩn. Có không ít trường hợp, do xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng không kiềm chế được sự nóng giận, quá khích, nên người chưa thành niên đã phạm phải hành động sai lầm, thậm chí là thực hiện hành vi phạm tội.
Khi người chưa thành niên là chủ thể tội phạm, việc xử lý các em phải tuân theo nguyên tắc nhất định. Tinh thần của pháp luật hình sự là: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.
Quy định này, không có nghĩa là coi nhẹ lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, mà có ý nghĩa định hướng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi quyết định lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể đối với người chưa thành niên. Do đó, các quy định về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Việc còn lại là tăng cường giáo dục cho các em, để phòng ngừa xảy ra tội phạm, chứ không phải là để xử lý nặng các em.
Qua sự việc trên, luật sư Thái cũng khuyến cáo, tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng nhiều với tính chất, mức độ, hành vi tội phạm ngày càng nguy hiểm, hung hãn hơn. Hậu quả để lại là rất nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Những vụ việc đó gióng lên những hồi chuông báo động về sự thiếu quan tâm của gia đình.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần tăng cường quan tâm đến con cái, kiểm soát, kiểm duyệt những nội dung phim ảnh con em mình xem trên mạng Internet. Theo luật sư Thái, đây là điều rất cần thiết, vì trên mạng xã hội, các phim ảnh, clip ngắn lồng ghép rất nhiều phim về giang hồ, bạo lực, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của thanh, thiếu niên. Trong khi đó, giới trẻ tiếp nhận thông tin, thụ hưởng thông tin từ Internet, từ smartphone quá nhanh, nhưng lại không có bộ lọc thông tin.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại