Có đủ triệu chứng nhiễm Covid-19, vì sao mãi vẫn "1 vạch"?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều người chia sẻ trải nghiệm của bản thân: Dù đủ triệu chứng nhưng sang ngày thứ 5 test vẫn âm tính |
Từ những biểu hiện này, mọi người đồn đoán rằng có thể do biến chủng Omircron khác với chủng Delta và khi nào lên "2 vạch" đồng nghĩa với bệnh... sắp khỏi.
Chị T.T.H chia sẻ: Nhà mình con tiếp xúc F0, test luôn âm tính, 4 ngày sau sốt test vẫn âm; 8 ngày sau test vẫn âm nhưng sau đó hơn 1 tiếng con sốt lại, đến ngày 9 test dương tính (bố mẹ test âm tính).
Hay như chị T. D thì trải nghiệm: Mình viêm họng nặng test 5 ngày vẫn âm tính, đến ngày thứ 6 dương tính thì cả nhà cùng bị.
Trường hợp khác là anh T.H cho biết: Mình rát họng 4 ngày rồi (nuốt nước bọt cũng đau, nhìn họng đỏ lòm) người hơi oải, test vẫn 1 vạch.
Từ nhiều trường hợp trên, BS. Nhật Minh Thắng, thành viên nhóm Bác sỹ quân y hỗ trợ chăm sóc online F0 điều trị tại nhà cảnh báo: Đau họng biểu hiện khá sớm, nếu test nhanh âm, mọi người không chủ quan, cứ cách ly ngay đề phòng lây lan.
Liên quan những băn khoăn này, TS. Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học-Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT-Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng những quan điểm trên không có căn cứ. Bởi có một vài kit kháng nguyên bị giảm độ nhạy với Omicron nên phát hiện ra muộn nhưng không phải kit nào cũng bị tình trạng như thế.
Theo TS. Bùi Lê Minh, việc có triệu chứng 2, 3 ngày sau mới dương tính khi test nhanh cũng không phải chuyện lạ bởi có những người có triệu chứng rõ ràng ngay khi tải lượng virus còn thấp chưa đủ ngưỡng phát hiện. Do đó, dấu hiệu để bạn nghi ngờ mắc Covid-19 mang biến chủng Omicron là trong một chùm nhiều ca bệnh liên quan tới nhau như 1, 2 gia đình lây virus từ nhau mà không có ai mất khứu giác.
“Ngoài ra biến thể này cũng hay gây chảy nước mũi hơn Delta. Triệu chứng rát và khô họng đột ngột là triệu chứng phổ biến khá đặc trưng chung của cả Delta và Omicron, nhưng có những người chỉ biểu hiện thế và không có triệu chứng gì, không bao giờ test nhanh ra dương tính do cơ thể đã phản ứng lại nhanh và hiệu quả”, TS. Bùi Lê Minh phân tích.
Còn theo BS Chuyên khoa 2 Dương Ngọc Vân, BV Đa khoa Medlatec, biến chủng Omicron là biến thể có tốc độ lây lan đến “chóng mặt” cùng với nguy cơ tái nhiễm cao nên tất cả mọi người đều phải chủ động chăm sóc sức khỏe và bảo vệ mình.
Để phòng lây nhiễm, mọi người cần tiêm đủ liều cơ bản, bổ sung và nhắc lại, dù các loại vắc-xin có thể hoạt động kém hiệu quả hơn nhưng trong khi các nhà khoa học vẫn đang “chạy đua” với việc nghiên cứu biến thể mới thì vắc-xin là “vũ khí” duy nhất để bảo vệ bản thân cũng như tạo miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng dịch. Khẩu trang vẫn luôn là “vật bất ly thân”, chúng có tác dụng chống lại phơi nhiễm virus qua giọt bắn trong trường hợp có tiếp xúc với F0. Hơn nữa, cần rửa tay sát khuẩn, súc miệng họng 2-3 lần/ngày và giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Việc xây dựng một thực đơn dinh dưỡng đủ chất và chế độ tập luyện khoa học là cách để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của virus gây hại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại