“Cò” đất và sàn giao dịch “bát nháo” không còn cơ hội?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS trong đó bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập DN, văn phòng môi giới... phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập |
6 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập
Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 năm triển khai thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn còn các tồn tại, hạn chế từ quy định chung về kinh doanh BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng dự án BĐS đến dịch vụ môi giới, sàn giao dịch BĐS… Đội ngũ môi giới bất động sản hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế.
Thực trạng trên là do Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới BĐS quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới BĐS nên dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để kiếm lợi.
Bên cạnh đó, Luật kinh doanh BĐS quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS. Pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của họ.
Do đó họ hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu, họ có hai xu hướng hoạt động kinh doanh một là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, để làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp. Hai là tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua. Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào để bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất và thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới.
Sẽ chấm dứt cả việc vẽ dự án huy động vốntrái phép?
Bên cạnh đó, hiện tượng tự “vẽ” dự án để huy động vốn trái phép diễn ra khá nhiều.
Bộ Xây dựng dẫn giải, việc bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là phù hợp với bối cảnh trầm lắng của thị trường giai đoạn 2008 - 2013, nhưng trước sự phục hồi của thị trường từ năm 2014 đến nay, cơ chế chính sách này không còn phù hợp, có kẽ hở dẫn đến nhiều hệ lụy, như tạo cơ sở cho việc hình thành các dự án ma...
Mặt khác, chất lượng chuyên môn của các sàn giao dịch bất động sản cũng đáng lo ngại. Các quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các sàn giao dịch bất động sản lách luật.
Đơn cử, pháp luật hiện nay quy định điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản chỉ cần ít nhất 2 nhân sự có chứng chỉ hành nghề, không quy định về năng lực tài chính (vốn điều lệ)… Tức là, chỉ cần có 2 người có chứng chỉ hành nghề là có thể “bao trọn” hoạt động hành nghề của tất cả nhân viên trong sàn, trong khi quy mô thông thường của các sàn là 30 - 50 nhân viên, sàn giao dịch lớn có quy mô 50 - 300 nhân viên, thậm chí tới 1.000 nhân viên.
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS trong đó bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập DN, văn phòng môi giới…., phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.
Ngoài ra, quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ so với hậu quả khi xảy ra sai phạm (phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng). Mức xử phạt này mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe dẫn đến việc người môi giới không coi trọng chứng chỉ môi giới.
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật kinh doanh BĐS theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Mục 2 Chương IV Kinh doanh dịch vụ BĐS, từ Điều 62 đến Điều 68 Luật Kinh doanh BĐS 2014. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung quy định phải có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; Bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập DN, văn phòng môi giới… phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS trong nước sau khi thành lập DN phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức mình hoạt động và Cục quản lý nhà & thị trường BĐS để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở cấp tỉnh và Trung ương. Bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam sau khi thành lập DN, văn phòng… phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Cục quản lý nhà thị trường BĐS để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của Cục quản lý nhà. Sửa đổi bổ sung quyền và nghĩa vụ của môi giới BĐS, trong đó có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của các tổ chức môi giới BĐS. Bổ sung về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, quy định về thẩm quyền tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và có trách nhiệm tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại