Có con trước kết hôn, khi đăng ký khai sinh có phải xét nghiệm ADN?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênUBND xã Xuân Liên, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: T.T |
Sự việc đặc biệt
Hồi giữa tháng 11/2023, ông Phan Danh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị người dân tố cáo nhận tiền của dân để làm giấy khai sinh cho trẻ. Theo tố cáo của chị Đ.N.Q.T (trú xã Xuân Liên), tháng 1/2021, chị và anh P.V.T (trú cùng xã Xuân Liên) tổ chức lễ cưới. Thời điểm đó, chị T chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Tháng 6/2022, chị sinh con trai đầu lòng. Tháng 8/2023, chị đủ tuổi nên đến UBND xã Xuân Liên đăng ký kết hôn và khai sinh cho con trai. Tại đây, chị T nhờ ông Phan Danh Thắng hướng dẫn các thủ tục cần thiết.
Vị Phó Chủ tịch xã nói rằng, muốn làm giấy khai sinh phải có giấy xét nghiệm chứng minh huyết thống giữa con và chồng với chi phí 8 triệu đồng. Gia đình chị T chưa đồng ý, song đến ngày 12/8/2023, ông Thắng dẫn một người lạ mặt đến nhà lấy mẫu máu của con và chồng chị để xét nghiệm ADN. Sau đó, bố chồng chị T đưa cho ông Thắng 8 triệu đồng.
Khoảng 4 ngày sau đó, đơn vị phân tích mẫu máu trả kết quả xét nghiệm ADN, xác định chồng và con chị T có quan hệ huyết thống. Đến ngày 6/11/2023, cán bộ UBND xã Xuân Liên mới làm đăng ký khai sinh cho con chị T. Khi sự việc bại lộ, trong cuộc họp với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xuân Liên vào chiều 14/11/2023, ông Thắng thừa nhận sai phạm nêu trên. UBND huyện Nghi Xuân cũng quyết định Cảnh cáo với cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Xuân Liên.
Quy định của pháp luật như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Công ty TNHH Luật H – Trung Lương, cho biết vệc sinh con ra rồi mới kết hôn không phải là một điều hiếm gặp ở Việt Nam. Quyền khai sinh là quyền của trẻ em, nó không phụ thuộc và việc đã kết hôn hay chưa. Luật sư Hùng cho biết, về điều kiện kết hôn cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật Hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Điều kiện kết hôn là điều kiện do pháp luật quy định. Theo đó, tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nam, nữ kết hôn với nhau phải đủ các điều kiện như nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự…
Còn về việc có con trước khi kết hôn, theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật được quy định tại Điều 5 Thông tư này. “Có nghĩa người cha nếu muốn nhận con thì không phải làm bất cứ thủ tục gì khác, như xét nghiệm ADN... mà chỉ cần văn bản thỏa thuận vợ chồng thừa nhận là con chung, kèm theo xuất trình giấy chứng sinh của trẻ, giấy đăng ký kết hôn thì UBND cấp xã sẽ giải quyết” – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại