Chuyện về người lính vừa làm giao thông vừa tập làm báo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMặc dù đã bước sang ngưỡng tuổi 80 nhưng cựu chiến binh Lê Reo vẫn rất hăng say, nhiệt huyết với công việc viết báo |
Ký ức của một người lính làm giao thông
Vòng qua những con hẻm nhỏ ở thôn 6, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá), hỏi thăm mãi tôi mới tìm được đến nhà cựu chiến binh Lê Reo (SN 1945, nguyên trợ lý Chính trị Trung đoàn Công binh 217). Biết có khách đến thăm, ông Lê Reo hài hước nói: “Trời nắng, cháu lặn lội đường xa đến thăm nhà phóng viên vườn này cơ à”?!
Rảo mắt nhìn quanh theo câu nói của ông, chung quanh trong căn nhà cấp 4 mộc mạc, tôi thấy đâu đâu cũng là sách, báo, ảnh lưu niệm, bằng khen, huân huy chương…
Trong những năm tháng qua, cựu chiến binh Lê Reo đã sưu tầm hàng vạn đầu báo, tư liệu quý về lịch sử, văn hoá trong và ngoài nước |
Nhấp chén nước, ông Reo kể: "Năm tôi tròn 20 tuổi, sau khi nghe địa phương thông báo, tôi tình nguyện xin lên đường nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn Lào đánh đuổi giặc Mỹ. Xe ô tô chở chúng tôi đi từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới đến khu vực biên giới (sau này mới biết là cửa khẩu Na Mèo, thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá ngày nay) để tập trung. Sau 1 ngày dừng chân, chúng tôi hành quân trong đêm để sang địa phận tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, cách biên giới nước ta 100km mới dừng lại để dựng lán trại.
Chúng tôi được phân công làm việc tại Công trường B1 thuộc Ban xây dựng 64 - Bộ GTVT, nhiệm vụ chính là chống lầy cho xe quân đội của ta đi qua. Chỗ nào bị lầy, sạt taluy âm thì chúng tôi dùng cuốc, xẻng để xử lý, thậm chí phải chặt cây để chèn, làm sao phải giải toả sớm cho xe qua. Trong số 1.500 công nhân làm việc ở công trường thì chủ yếu là con em của 6 huyện thuộc tỉnh Thanh Hoá, mỗi huyện phải đảm bảo 10km đường”.
Theo cựu chiến binh Lê Reo, 6 huyện tương đương với tổng số 60km đường đi qua một số khu vực có suối lớn, không có cầu, chỉ có đập tràn, nhiều vị trí giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Nếu giặc Mỹ chỉ cần ném một quả bom xuống thì mạch máu giao thông xem như bị cắt đứt nên nhiệm vụ chính của những công nhân như ông Lê Reo phải đảm bảo giao thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc phía sau.
“Ngoài nhiệm vụ làm đường ra thì chúng tôi phải hỗ trợ bốc hàng cho lực lượng hậu cần của quân đội. Xe hàng đến là phải bốc thật nhanh để giải phóng xe, thậm chí vận chuyển thương bệnh binh của quân đội. Ở công trường, mặc cho cái đói, cái rét nhưng chúng tôi vẫn quyết bám rừng, bám đường ngày đêm để làm tròn nhiệm vụ được giao”, cựu chiến binh Lê Reo hồi tưởng lại những tháng ngày bên nước bạn Lào.
Từ những dữ liệu lịch sử mà cựu chiến binh Lê Reo cung cấp, ngày 13/12/1965, đoàn Công binh 217 - tiền thân của Trung đoàn 216 và Trung đoàn 298 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gồm 5 tiểu đoàn, 2 đại đội và các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kĩ thuật.
Cuối tháng 12/1965, Trung đoàn hành quân trên chặng đường gần 400km để có mặt tại thị xã Sầm Nưa, tiếp nhận hơn 1.000 thanh niên trẻ khỏe tuyển chọn trong số hơn 4.000 người là công nhân Công trường 217 - Thuộc Ty GTVT Thanh Hóa và Công trường B1 thuộc Ban Xây dựng 64 (Bộ GTVT) đã có mặt giúp bạn từ đầu những năm 1960.
Hai công trường này chủ yếu là con em Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ở các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Ngọc Lặc và thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa).
Tháng 1/1966, ông Lê Reo được điều chuyển sang làm bộ đội Công binh tại Trung đoàn 217 (lấy tên của Công trường 217). Trung đoàn 217 có quân số hơn 5.000 người bao gồm Công binh chủ lực (4 tiểu đoàn, 3 đại đội), Công nhân Quốc phòng (2 tiểu đoàn) còn lại công nhân hoả tuyến.
Nhiệm vụ của Trung đoàn thứ nhất là mở đường mới, bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng tại 2 địa bàn Sầm Nưa và Xiêng Khoảng; Hai là trực tiếp và hợp đồng chiến đấu đánh trả không quân Mỹ, bọn phỉ Vàng Pao, xây cơ sở chính trị; Ba là xây dựng các công trình hang hầm kiên cố cho Cơ quan Trung ương Neo Lào Hắc Xạt tại Khu căn cứ kháng chiến Na Kay (nay là Viêng Xay) bảo đảm an toàn tuyệt đối, phục vụ lãnh đạo cách mạng Lào thành công năm 1975.
“Khi tôi chuyển sang Trung đoàn 217, cấp trên phát hiện tôi viết chữ đẹp nên đã chuyển lên làm công việc kẻ vẽ bản đồ địa hình giao thông, những vị trí cần phải thi công mới, sửa chữa đoạn đường hư hỏng… Và trong suốt quá trình ở đây tôi bắt đầu tập làm báo”, cựu chiến binh Lê Reo nói.
“Bén duyên” với nghề báo
Khi nói về nghề báo, ông Lê Reo cười: "Thuở học phổ thông ở quê tôi cũng được đánh giá là học khá môn văn. Bản thân tôi chỉ học hết lớp 7 rồi đi bộ đội. Trong quá trình làm việc ở Trung đoàn, tôi được cử đi học ở Cục bản đồ của Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1966 đến năm 1969 tôi bắt đầu mon men viết những bản tin ngắn gửi về cho Báo Thanh Hoá, báo Quân đội Nhân dân Việt Nam".
Nghe ông kể, tôi cảm thấy rất tò mò bởi khoảng cách địa lý xa xôi, đang trong chiến trường bên nước bạn Lào nhưng vẫn có tác phẩm đăng ở báo địa phương mình. Giải toả khúc mắc này, ông Reo cho hay: "Thời điểm đó không có điện thoại, mạng ineternet như bây giờ, chỉ có con đường duy nhất là gửi thư tay. Do làm ở Trung đoàn nên tôi nắm khá chắc được lịch của xe từ Lào về Thanh Hoá hoặc Hà Nội. Mỗi lần muốn gửi tin tức về, tôi phải chuẩn bị tư liệu từ trước, viết nội dung tin, bài vào những mặt sau của các giấy thừa bỏ đi. Tôi phải viết ngày, viết đêm để cho kịp chuyến xe đi. Cách thức gửi thì thông qua cán bộ đi cùng trên xe mang về bỏ vào bưu điện chuyển đến toà soạn hoặc nhờ mang đến trực tiếp nếu tiện đường.
Bản thân tôi tự ý thức được phải giữ từng mẫu giấy để làm tư liệu, bởi mình thấy việc đó mà không đưa lên là phí phạm. Tôi cứ viết và gửi đi chứ không để ý đến việc có đăng được hay không. Năm 1970, đồng đội sang thông báo tôi có bài viết trên báo. Tác phẩm “đầu tay” đó là một mẫu tin tôi viết dài khoảng 70 từ, nói về một đoàn xe bị sa lầy đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giữa bộn bề công việc chuyên môn tôi phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn thích viết báo. Từ năm 1970 khi chuyển sang làm công tác tuyên huấn, tôi cũng đi “tháp tùng” lãnh đạo và viết tin, bài, chụp ảnh để gửi báo”.
Cách mạng Lào thành công, năm 1975, cựu chiến binh Lê Reo cùng vợ trở về quê hương để nhận nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ông được bố trí về làm việc tại thị xã Sầm Sơn (TP Sầm Sơn ngày nay). Ở Sầm Sơn, ông đã xây dựng bản tin đầu tiên về việc thành lập thị xã năm 1982. Rồi sau này khi chuyển công tác lên Huyện uỷ Triệu Sơn làm việc, ông giữ chức Phó văn phòng kiêm thư ký cho Bí thư huyện. Năm 1991, ông tiếp nhận và giữ chức Trưởng đài truyền thanh huyện Triệu Sơn đến năm 2003 về hưu.
Chiếc máy ảnh cũ được ông nâng niu gìn giữ |
Mặc dù ở ngưỡng tuổi 80 nhưng cựu chiến binh Lê Reo vẫn hăng say với công việc. Ngoài nhiệm vụ kết nối các cựu chiến binh trong ban liên lạc, ông còn đi sưu tầm thêm các tư liệu, đầu báo để bổ sung vào “kho tàng” của mình.
Thong dong trên đường với chiếc máy ảnh cũ, “phóng viên vườn” Lê Reo vẫn hàng ngày ghi lại khoảnh khắc cuộc sống của đời thường.
Ông Nguyễn Tiến Dục – Phó chủ tịch UBND xã Dân quyền, huyện Triệu Sơn cho biết: Bác Lê Reo là một con người đầy nhiệt huyết, năng động và hăng say trong công việc. Bác sưu tầm rất nhiều sách, báo, tư liệu về lịch sử, văn hoá, đặc biệt là tư liệu quý về Bác Hồ, mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào.
“Ở địa phương, khi tổ chức sự kiện đều tham khảo ý kiến của bác ấy. Bởi nhiều dữ liệu về lịch sử, văn hoá bác ấy nắm rất chắc chắn. Đơn cử như mới đây, chúng tôi muốn trùng tu, tôn tạo di tích đình Thiết Cương ở thôn 6 cũng phải qua xin tư liệu kiến trúc cũng như sự hình thành đình từ bác Lê Reo. Ngoài những tư liệu lịch sử, hiện nay, trong nhà bác ấy như một bảo tàng thu nhỏ với khoảng 1,5 vạn số báo thuộc nhiều đầu báo khác nhau từ những năm 90 trở lại đây”, Phó chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho biết thêm.
Cựu chiến binh Lê Reo có bút danh Đỗ Lê Sơn và Lê Thu Hằng Nga, tham gia viết báo từ năm 1966 (bản tin Binh chủng Công binh). Năm 1970 có bài đầu tiên đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, được toà soạn cấp thẻ “TTV” (Thông tin viên) năm 1972 và trở thành cộng tác viên 40 năm qua. Ông thường xuyên viết bài cộng tác với Báo Thanh Hoá, Báo Nhân dân, Báo Cựu chiến binh, Báo Người cao tuổi, Báo Văn hoá thông tin… và đã có khoảng 1.520 tin, bài, ảnh đăng báo. Trong đó, từ năm 1990 đã có hơn 860 tin, bài, ảnh được đăng báo lưu giữ cho đến nay, đã chọn lọc 320 bài in thành “Hợp Tuyển” với hơn 400 trang. Năm 2009 ông được kết nạp là Hội viên CLB ảnh báo chí thuộc Hội nhà báo Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, cựu chiến binh Lê Reo tham gia 35 cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá, mối quan hệ Việt Nam – Lào…(từ cấp tỉnh đến Trung ương) thì có 32 cuộc thi đạt giải 3 trở lên, trong đó có 2 giải đặc biệt. “Về ý tưởng của tôi, nếu tôi còn sống đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam thì tôi sẽ cùng vợ phân loại và hiến tặng các tư liệu, đầu báo… Vợ chồng tôi sẽ dùng xe ô tô chở đến tận nơi để hiến tặng”, ông Lê Reo nói. |
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, chúc mừng báo Kinh tế & Đô thị | |
Những lời chúc Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 hay và ý nghĩa | |
Những khoảnh khắc nghề Báo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại