Thứ năm 09/05/2024 13:10

Chuyện về người đàn bà 42 năm vớt xác, bốc mộ cứu người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hơn 40 năm nay, ngoài việc vớt xác, bốc mộ bà còn là một người chữa bệnh cho dân trong làng và những người tỉnh khác đến. Căn bệnh mà bà chữa khỏi cho mọi người là bệnh "đậu lào" và ngày xưa căn bệnh này gọi là bệnh thương hàn biến chứng.

42 năm nay, dù nắng, mưa hay đêm khuya, cứ có tiếng người vào gọi đi vớt xác người chết đuối, đi bốc mộ là bà lại khăn gói lên đường không một chút suy nghĩ về lợi nhuận... Bà là Trần Thị Bình, SN 1954 tại thôn Hồng Ngự, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Hơn 40 năm làm phúc cứu người

Từ huyện Từ Liêm, Hà Nội sau gần một tiếng đồng hồ men theo con sông Tân Nhuệ chúng tôi tìm về thôn Hồng Ngự.

Dọc con đường nhỏ được trải bê tông vào làng, đối diện với nhà văn hóa thôn là căn nhà tuềnh toàng chỉ được che bằng những tấm sắt và xốp bên trong để chắn gió. Ngôi nhà nằm bên đường cái trầm lặng, không khí buồn thiu cũng giống như cái nghề của bà vậy.

Vừa ầu ơ ru cho đứa cháu ngủ xong, bằng giọng trầm buồn, bà vừa trải lòng câu chuyện cuộc đời mình.

"Vốn là con út trong gia đình nghèo đói, làm nghề sông nước, hồi nhỏ, nhờ bơi lội giỏi nên nhiều lần tôi đã được theo bố và các anh chị đi vớt xác cứu người. Dân sông nước, suốt ngày lang thang trên bến dưới thuyền, học hành không đến nơi đến chốn, nên cũng có thời gian tôi đi làm thuê bên Hà Nội về ngành xây dựng, rồi theo người đi phụ xe ô tô. Nhưng thấy mình bôn ba làm thuê đủ thứ nghề rồi cuộc sống cũng không khấm khá lên được nên tôi đành trở về bên dòng sông Hồng theo nghề cũ của ông cha mình, lại làm nghề chài lưới, "nghề vớt xác cứu người". Cứ thế rồi, "công việc" vận vào mình như định mệnh. Từ bấy đến nay cũng đã được hơn 40 năm rồi".


Bà Bình và bộ lưỡi câu dùng để làm việc thiện. Ảnh: Xuân Lĩnh


"Giữ nghề" theo tiếng gọi của tâm linh

"Năm 1987, cha tôi mất - bà Bình tiếp tục câu chuyện- Trước đây khi ông còn sống thì mỗi lần đi vớt xác hay bốc mộ, tôi có cha hỗ trợ nên công việc cũng đỡ đi phần vất vả. Nhưng giờ chỉ còn lại có một mình, nhiều lúc mệt mỏi tôi cũng đã tính đến chuyện bỏ nghề. Mà nói là "nghề" chứ chưa bao giờ tôi xem đây là nghề để kiếm tiền. Hồi trong Tết có lần tôi đi "mò" xác của một sinh viên tự tử. Được mọi người gọi đi mò xong tôi còn phải tự tay khâm liệm, rồi đưa vào trong quê cho người nhà chôn cất. Mọi chi phí đều phải tự mình bỏ tiền ra lo toan. Thậm chí có trường hợp cứu sống người ta nhưng không được một tiếng cảm ơn. Nhưng cứ mỗi mùa nước lên, chứng kiến những vụ đuối nước thương tâm tôi lại không thể cầm lòng. Rồi mỗi khi nghe tiếng thét gào đau đớn của người thân nạn nhân, nhìn những ngôi mộ đã đến ngày "thay áo" mà chưa có ai làm, trong tôi lại thôi thúc mình cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ, miễn sao làm phúc cứu được một người là vui rồi".

Nói đến đây, đôi mắt người phụ nữ ấy ánh lên niềm vui. Bà nhớ lại: "Năm 1978, khi đang quăng chài thả lưới ven sông, tôi nghe tiếng kêu cứu vọng từ dưới sông, rồi thấy có một phụ nữ đang chới với. Tôi đã nhảy xuống kịp thời ứng cứu. Mừng nhất là tôi không chỉ cứu được một sinh mạng, bởi người đàn bà đó đang mang thai. Hỏi ra mới biết vì hận chồng phụ bạc nên cô ấy đã tìm đến dòng sông. Hay như lần vớt xác cho một thanh niên mà mất mấy ngày trời không vớt được. Nhiều lần cứ thấy rồi lại chìm đi, tôi giận còn bảo "tìm được sẽ đánh cho cậu ta một trận"… nhưng rồi linh tính cũng giúp tôi tìm được cậu thanh niên đó".

Bà kể "nghề này" không vất vả nhưng phải liều, phải tợn mới làm được. Rồi một kinh nghiệm khi khâm liệm người chết, nhất là chết đuối là phải xin họ, dỗ dành họ và nhẹ nhàng mặc. "Vì con người khi chết đi linh hồn vẫn quanh quẩn bên thể xác, linh hồn ấy hiểu những gì chúng ta làm" - bà Bình nói.

Tâm sự về quan niệm của nghề sông nước là nếu theo nghề mà dám cứu người chết đuối, dám cướp miếng cơm của Hà Bá thì sẽ bị trừng phạt, bà cho biết: "Mỗi lần vớt được một xác chết thì bà lại làm một người hình nhân đem đốt trên sông hoặc thả cho nó trôi để thế mạng cho người mình vớt, nhiều nhà giàu có thì họ làm hình nhân nhiều tiền lên đến 40, 50 triệu đồng nhưng đối với tôi thì không có tiền nên làm một mâm cơm bình thường và một hình nhân nhỏ để thế mạng trả cho Hà Bá ".

Nhưng cũng chính cái nghề này mà giờ nhiều người dân ở đây sợ bà, họ đi ăn "cỗ" không dám ngồi gần bà, nhưng đối với bà thì chuyện đấy là bình thường. Có những xác chết đã đến thời kì phân hủy, ruồi muỗi bám vào đầy, đối với người bình thường thì không dám đến gần huống chi bà còn tắm rửa cho họ sạch sẽ.

Đấy là khi đi vớt xác còn đối với việc bốc mộ thì bà cũng không nhớ là mình đã bốc bao nhiêu ngôi mộ, thay bao nhiêu bộ áo cho những người đã mất. Có những lần khi đi bốc mộ bật quan tài lên thấy thân xác của người nằm dưới mộ vẫn còn nguyên xi, mọi người xung quanh ai nấy đều chạy vì quá hoảng sợ nhưng đối với bà thì không có gì là sợ, bà cần mẫn làm sạch rồi lấy xương bỏ vào "tiểu sành", bà Bình kể lại.

Hơn 40 năm nay, ngoài việc vớt xác, bốc mộ bà còn là một người chữa bệnh cho dân trong làng và những người tỉnh khác đến. Căn bệnh mà bà chữa khỏi cho mọi người là bệnh "đậu lào" và ngày xưa căn bệnh này gọi là bệnh thương hàn biến chứng.

Bằng những vật dụng đơn sơ, đó là một lá trầu không với ít rượu và chiếc kim khâu, một ít bột ăn trẻ con là bà có ngay phương thuốc mà bấy lâu nay đã cứu sống nhiều người. Cũng kể từ những lần bà chữa khỏi bệnh cho một số người trong thôn đến nay thì thỉnh thoảng lại có người đến từ nơi khác cũng tìm đến bà. Và thế là bà trở thành “người thầy thuốc” không chuyên chữa bệnh cứu người.

Bao nhiêu năm làm phúc nhưng bà Bình vẫn đang ở trong ngôi nhà cấp bốn tồi tàn. Trong nhà bà không có một cái gì đáng giá ngoài chiếc tivi của con trai đang làm nghề bốc vác. Bà nói "Hạnh phúc của tôi không phải là tiền bạc cao sang, cũng không phải nhà lầu xe hơi mà chính là cái tâm, cái lẽ đời".

Hàng năm trên dòng sông Hồng có bao nhiêu người chết, người thì chết đuối, chìm đò, tự tử… nhưng họ đều chung một số phận và được những người có tâm làm phúc như bà Bình vớt xác, mai táng chu đáo.


Xuân Lĩnh

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động