Thứ năm 25/04/2024 13:58

Chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vắc xin cúm hàng năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các chuyên gia y tế cho biết, virus cúm thay đổi cấu trúc rất nhanh, mỗi năm một khác do vậy việc tiêm vắc xin hàng năm là cần thiết và quan trọng.
Chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vắc xin cúm hàng năm
Các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng cúm cho trẻ trước mùa dịch (Ảnh minh họa).

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh và gây bệnh. Đặc biệt trẻ em, sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa. Mới đây, tại tỉnh Bắc Kạn ghi nhận hơn 700 trẻ bị sốt, trong đó có 109 trẻ nhập viện và 01 trường hợp tử vong. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, 5/7 mẫu dương tính với cúm B (2 mẫu âm tính), hiện ngành y tế tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh.

Một số chuyên gia y tế đã bày tỏ quan điểm ngoài việc khử khuẩn, đeo khẩu trang thì các bậc cha mẹ nên cho con tiêm vắc xin cúm hàng năm để phòng ngừa.

Trao đổi với PV, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế luôn khuyến cáo mọi người dân nên tiêm phòng cúm và việc làm này phải được thực hiện hàng năm. Bởi vắc xin cúm không sinh miễn dịch và bảo vệ cơ thể được vĩnh viễn. Qua thời gian kháng thể có trong vắc xin sẽ giảm dần, dẫn đến hiệu quả phòng bệnh cũng giảm.

TS.BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP. HCM cho rằng, virus cúm thay đổi cấu trúc rất nhanh, mỗi năm một khác do vậy việc tiêm vắc xin hàng năm là cần thiết và quan trọng.

“Tôi lấy một ví dụ đơn giản đó là năm 2021 cấu trúc của virus cúm khi đó là A, nhưng sang năm 2022 cấu trúc virus cúm thay đổi là A+ hoặc B. Khi đó, nếu vẫn dùng vắc xin theo cấu trúc cũ là A thì hiệu quả bảo vệ không cao. Do vậy, việc tiêm lại vắc xin phòng cúm mỗi năm là rất quan trọng”, bác sĩ Khanh lý giải.

Một vấn đề khác được rất nhiều người quan tâm, đó là tiêm vắc xin cúm nhưng vẫn mắc cúm, như vậy việc tiêm phòng thực sự có tác dụng? TS.BS Trương Hữu Khanh cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm thiểu 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm.

Như đã nói trên hiệu lực bảo vệ của cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm thường có tính đột biến và khả năng thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc xin cúm nhắc lại hàng năm là cần thiết. Nếu tiêm vắc xin cúm năm nay, nhưng năm sau không tiêm thì việc mắc cúm là rất bình thường. Bên cạnh đó, trường hợp đầu tuần tiêm vắc xin nhưng cuối tuần mắc cúm cũng không có gì là lạ, vì vắc xin chưa sinh đủ kháng thể để chống lại virus.

Do vậy, thời điểm tiêm vắc xin phòng cúm cũng rất quan trọng và thời điểm thích hợp tiêm vắc xin cúm là khoảng 2 tuần đến 1 tháng trước khi vào mùa dịch vì sau khi tiêm, cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.

Các cháu nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên cho đến người trưởng thành đều nên tiêm vắc xin hàng năm. Với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 8 tuổi, cần tiêm vắc xin cúm 2 mũi, do đó, cha mẹ nên cho trẻ chủ động tiêm sớm hơn. Các mũi tiêm cần cách nhau ít nhất 4 tuần, điều này đảm bảo cơ thể trẻ có thể đáp ứng và tạo miễn dịch tốt hơn, tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể phản ứng quá mẫn nặng đe dọa tính mạng hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin không nên tiêm phòng vắc xin cúm. Một số trường hợp có vấn đề sức khỏe khác cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện tiêm phòng.

Xác định nguyên nhân hơn 700 trẻ bị sốt cao, có cháu tử vong ở Bắc Kạn Xác định nguyên nhân hơn 700 trẻ bị sốt cao, có cháu tử vong ở Bắc Kạn

Ông Nguyễn Tiến Tôn, Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã xác định được nguyên nhân khiến trẻ sốt, nhập viện ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động