Thứ hai 18/11/2024 03:13

Chuyên gia cảnh báo về tác hại hộp xốp đựng thức ăn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đựng thức ăn trong hộp xốp là thói quen phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Song việc đựng thức ăn nóng trong hộp xốp đã và đang gây nhiều tác hại không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Theo các chuyên gia, tuyệt đối không được dùng hộp xốp để đựng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có độ nóng cao.

chuyen gia canh bao ve tac hai hop xop dung thuc an
Hộp xốp đang lưu hành chủ yếu trên thị trường được sản xuất từ polystyrene, trọng lượng siêu nhẹ vì không khí chiếm 95%, polystyrene chỉ chiếm 5%

TS. Trần Thị Ngọc Lan, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: "Nhựa làm hộp xốp là nhựa từ poly siren giãn nở, trong quá trình chế biến dù thế nào cũng còn tồn dư lại, dù là lượng nhỏ, hoạt chất siren. Khi cho đồ ăn nóng, dầu mỡ hoặc những thức ăn có tính chua vào hộp xốp, chất này sẽ thoát ra ngoài bám thức ăn. Siren bản thân là một chất độc có thể gây ung thư và các bệnh về thần kinh như: giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm thính giác, thị giác".

Người Việt Nam thì có thói quen đồ ăn gì cũng đựng vào hộp xốp. Dễ dàng thấy ở tất cả các hàng quán cơm, đặc biệt là cơm bình dân cho sinh viên, người ta xới cơm từ nồi gang to đang nóng hôi hổi bỏ vào hộp xốp, rồi thức ăn, rau dưa vừa xào cũng cho tất tần tật vào.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), hộp xốp đựng thực phẩm có thể giải phóng các chất styrene và ethylbenzene khi quay nóng trong lò vi sóng, hoặc đồ ăn mang tính axit, nhiều dầu mỡ cũng có thể phơi nhiễm các chất độc hại có trong hộp xốp. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ… thì sẽ gây tổn hại lớn cho sức khỏe.

Trong các sản phẩm đồ nhựa đều chứa BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư. Thông tin được khẳng định bởi Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC), tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.

"Chưa hết, nhiều người vì không hiểu rõ tác hại của hộp xốp đựng thực phẩm về nguyên tắc chỉ được dùng một lần, việc sử dụng mang ý nghĩa tạm thời, không được dùng trong thời gian dài vì càng tiếp xúc với thực phẩm lâu sẽ càng tăng nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

PGS.TS Đỗ Văn Kháng, Trưởng phòng công nghệ polyme (Viện Hóa học) nêu rõ, ở nhiệt độ 70- 80­­oC là một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Nếu là loại kém chất lượng, có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính. Theo đó, nếu bị nhiễm chất này lâu dài, chất này có thể ảnh hưởng về giới tính của trẻ em, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Vì thế, người ta khuyến cáo chỉ nên dùng hộp nhựa đựng đồ ăn nguội, chớ dại múc cả canh, cơm đang nóng hôi hổi vào hộp nhựa, có thể sinh ra các chất độc hại cho cơ thể.

Nói về giải pháp cho người tiêu dùng, PGS.TS Phạm Thành Quân - Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng nhấn mạnh: “Chỉ nên sử dụng hộp xốp như giải pháp tình thế và nên dùng hộp thủy tinh, gốm sứ đựng thực phẩm cho an toàn”. Hộp thủy tinh, hộp gốm sứ có thể đựng thực phẩm tươi sống và thức ăn chín và rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn, sử dụng các đồ gia dụng.

chuyen gia canh bao ve tac hai hop xop dung thuc an
Nguyên tắc của hộp xốp đựng thực phẩm hay đồ nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm nói chung là sau lần dùng đầu tiên cần được thu lại và không được dùng để tái chế lại

Nếu bất đắc dĩ phải dùng hộp xốp, người dùng cần ghi nhớ: Chỉ đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài theo ngày. Không đựng thức ăn nóng hoặc dùng loại hộp này để quay trong lò vi sóng mà nên thay bằng những loại hộp sử dụng nhựa đặc, có tính chịu nhiệt cao, tốt nhất là loại được đề xuất có thể quay trong lò vi sóng.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động