Thứ tư 22/05/2024 02:59

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường tại buổi tọa đàm "Ứng dụng công nghệ số - Chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức ngày 17/8.
Nông nghiệp Thủ đô đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt chuẩn VietGap, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Ảnh: Thiện Tâm.
Nông nghiệp Thủ đô đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt chuẩn VietGap, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong thời đại 4.0 hiện nay mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành, đây là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp cũng nằm trong xu thế đó. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số còn là "chìa khóa" mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại.

Ngoài những thế mạnh và thuận lợi, các chuyên gia, nhà quản lý cũng chỉ ra những cơ hội, rào cản, thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của nông nghiệp Hà Nội và khuyến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ NN&PTNT lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai. Trong đó, tiêu biểu như về truy xuất nguồn gốc.

“TP Hà Nội đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp” - ông Tạ Văn Tường cho hay.

Theo ông Tạ Văn Tường, TP Hà Nội cũng đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Hà Nội cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Voso, sendo…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, ứng dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội để đẩy mạnh tuyên truyền trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nội dung này đối với nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã. Mục đích nhằm đả thông tư tưởng, thay đổi tư duy cho bà con về ứng dụng công nghệ số không thể đơn lẻ từng hộ làm được mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững.

“Chính đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng cần được tập huấn, đây không phải vấn đề của riêng nông dân, hợp tác xã. Trung tâm mong muốn thông qua những hội nghị, tọa đàm tập huấn, nông dân sẽ nhận thức được sự cần thiết phải tham gia công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong từng phần việc cụ thể như thế nào” - bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.

Theo bà Vũ Thị Hương, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông sẽ đồng hành cùng với Phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã; thông qua các Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi - Thú y và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức những hội nghị, tọa đàm, tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp lần lượt tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội biết, trong giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội xác định ngành nông nghiệp phải phát triển toàn diện, bền vững, phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng so với các địa phương khác trong cả nước. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số. Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố và tăng gấp đôi so với năm 2020.
Chuyển đổi số gắn với tinh thần cải cách tư pháp
Hà Nội triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác phòng chống thiên tai
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động