Thứ năm 21/11/2024 19:27

Chuyện cảm động bên 14 nấm mộ không hài cốt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cũng vì nghĩa tình đối với những người đã hy sinh xương máu cho nhân dân mình mà hai mảnh đời ngoài 60 tuổi đã gắn bó với những nấm mồ không còn hài cốt.


Ông Dương Văn Dậu - người vẫn vẫn gắn bó với 14 nấm mộ không hài cốt của các liệt sỹ Triều Tiên ở nghĩa trang quốc tế Triều Việt.

Ảnh: T.L

Đó là câu chuyện cảm động về tình người, tình đồng đội của ông Dương Văn Dậu và bà Đinh Thị Thiện ở nghĩa trang quốc tế Triều Việt - nghĩa trang quốc tế duy nhất của Việt Nam (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Ông bà được người dân trong vùng gọi vui là "cận vệ trung thành" của những liệt sỹ Triều Tiên.

"Người"đã trở về quê mẹ, mộ vẫn còn nguyên


Đã quá nửa chiều, đồi Rừng Hoàng (nơi tọa lạc của nghĩa trang quốc tế Triều - Việt) vẫn chìm trong một màu nắng chói chang. Những "lọn" nắng gay gắt như phủ đều, phủ kín lên khắp những gốc vải già đã qua mùa thu quả và những cây bạch đàn khẳng khiu lưa thưa lá. Cả nghĩa trang quốc tế Triều - Việt cũng như chìm trong cái nắng nóng gay gắt của những ngày giữa hạ. Thi thoảng lắm mới có được một vài cơn gió nhẹ thổi lên từ cánh đồng trũng phía Đông, làm dấy lên tiếng lao xao đặc trưng của vùng quê vải. Trong cái không gian ấy, tịnh không một bóng người qua lại.

Trong chưa đầy 3 năm, 14 chiến sĩ Triều Tiên được cử sang học hỏi rồi tình nguyện chiến đấu ở Việt Nam đã hy sinh. Trong đó, 11 người hy sinh trên bầu trời tỉnh Hà Bắc cũ (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), 2 người tại Vĩnh Phúc và 1 ở Hải Hưng cũ (nay là Hải Dương và Hưng Yên)


Chỉ đến khi bước chân vào phía trong khuôn viên của nghĩa trang quốc tế Triều - Việt, chúng tôi mới nghe thấy tiếng sột soạt. Và cũng phải căng mắt nhìn mới thấy một người đàn ông đầu lấm tấm sợi bạc đang lúi húi nhổ cỏ dại dưới gốc vải. Người đàn ông ấy chính là ông Dương Văn Dậu (63 tuổi) - người "cận vệ" trung thành của 14 liệt sỹ Triều Tiên, người mà chúng tôi đang mong được gặp.


Thoạt nhìn, khó ai có thể nghĩ ông Dậu là thương binh bởi ngoài mái tóc muối tiêu thì ông Dậu trông rất trẻ so với tuổi 63 và ông lại còn sở hữu một thân hình rất vạm vỡ. Đặc biệt, khuôn mặt và nụ cười hao hao giống nhạc sỹ Trần Tiến của ông càng khiến người ta ngộ nhận ông là giới văn nghệ sỹ hơn là một cựu chiến binh, một nông dân thứ thiệt. Tuy nhiên, khi ông cất những bước chân không bình thường thì không cần giải thích người ta cũng tự biết ông đang mang trong mình một vết thương chiến tranh.


Trước khi trò chuyện, chúng tôi tiến về phía tấm bia tưởng niệm có hình hoa sen dâng lên 14 chiến sỹ nước bạn những nén hương thành kính. Tấm bia tưởng niệm ở đây được thiết kế đơn giản với hình cột trụ có bốn mặt đều ốp đá màu đen, mỗi mặt đá đều có hình vẽ là biểu tượng của nước bạn Triều Tiên. Mặt trước tấm bia mang dòng chữ bằng tiếng Việt: "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Triều Tiên". Sau tấm bia là 14 nấm mộ hình chữ nhật ốp gạch màu đỏ tươi được xếp thành hai hàng song song. Trên mỗi mộ đều có một tấm bia hai mặt, mặt trước ghi đầy đủ tên tuổi, ngày tháng năm sinh, năm mất, quê quán bằng tiếng Triều Tiên, mặt sau cũng ghi ngần đó thông tin nhưng bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, 14 nấm mộ này giờ chỉ mang tính tượng trưng bởi hài cốt của họ đã được đưa về Triều Tiên hơn chục năm trước. Trong 14 chiến sỹ yên nghỉ nơi đây, người trẻ tuổi nhất là liệt sỹ Ươn Hông Xang, sinh ngày 25/4/1946 và hy sinh ngày 24/9/1965, còn liệt sỹ lớn tuổi nhất là Lim Dang An, sinh ngày 18/12/1929 và hy sinh ngày 30/9/1967.



Hai hàng mộ luôn được ông bà Dậu - Thiện quét dọn và giữ gìn sạch sẽ, mới mẻ


Sau khi đưa chúng tôi vòng quanh nghĩa trang để thực hành các nghi thức cần thiết, ông Dậu ngồi luôn dưới những bậc tam cấp đã phủ kín màu rêu của nghĩa trang để bắt đầu câu chuyện của mình. Bằng giọng nói mang âm vị đặc trưng của vùng Lạng Giang, ông Dậu kể về cuộc đời mình, kể về mối duyện nợ với 14 nấm mồ của 14 liệt sỹ nước bạn Triều Tiên như một thước phim chiếu chậm.


Nửa cuộc đời vì tình hữu nghị


Ông Dậu cho biết, năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện nộp đơn xin vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông đã được biên chế vào binh đoàn B2 thuộc chiến trường Tây Ninh. Vào chiến trường được khoảng 3 năm thì ông bị thương nặng ở chân trái và buộc phải trở ra Bắc chữa trị. Thời gian này, do vợ của ông bị bệnh nặng nên ông xin về quê để vừa dưỡng thương, vừa chăm vợ, vừa lo cuộc sống cho các con.


Thời điểm ông trở về quê, nghĩa trang quốc tế Triều - Việt đã được dựng trên đồi Rừng Hoàng. Những mẩu chuyện về sự hy sinh và việc quy tập 14 nấm mồ của 14 chiến sỹ nước bạn Triều Tiên về nơi đây ông đều được nghe kể lại từ người bạn đời hiện tại của mình (vợ thứ hai). Theo đó, vào năm 1964, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân, các cán bộ kỹ thuật không quân Việt Nam đã tự mày mò, nâng cấp, cải tiến những chú "én bạc Liên Xô" là những chiếc Mig 17, Mig 19 (vốn chỉ mang trên mình một khẩu 37 ly) rồi lắp ghép thêm một khẩu trọng pháo nữa nhằm tăng thêm hỏa lực. Nhờ những phát minh này mà không quân Việt Nam đã hạ gục hàng loạt máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ thời đó như F4, F111... khiến thế giới phải thán phục.


Ngưỡng mộ trước những chiến thắng của không quân Việt Nam, năm 1965, 14 chiến sỹ không quân Triều Tiên đã được cử sang sân bay Kép đóng tại Lạng Giang để học hỏi kinh nghiệm và nghệ thuật chiến đấu. Tại đây, họ đã được các cán bộ kỹ thuật không quân Việt Nam truyền đạt cho những lý thuyết và kỹ thuật chiến đấu. Cuối kỳ "thực tập", 14 chiến sỹ không quân Triều Tiên đã xung phong ra trận chiến đấu chống lại sự tấn công ác liệt của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam với tinh thần đã xuất kích là phải tiêu diệt được đối phương, không bảo vệ được phi cơ thì không quay về...


Ông Dậu cho biết, thi thể của các chiến sỹ đã được bà con ta tìm thấy và đưa về sân bay Kép. Sau đó, đích thân một vị Tham tán sứ quán Triều Tiên đã đi khắp các vùng quê Bắc Ninh và Bắc Giang để chọn đất làm nơi an nghỉ cho các chiến sỹ nước mình. Cuối cùng, họ chọn đồi Rừng Hoàng - vùng đất đồi khô ráo được phong thủy lại có hướng nhìn về phía Đông Bắc, hướng của quê hương Triều Tiên, làm nơi quy tập các liệt sỹ và xây dựng nghĩa trang.


Ông Dậu kể: "Khi chôn cất các chiến sỹ ở đây, bên cạnh mỗi chiếc áo quan, họ còn chôn theo một con cá chép hồng và một chú chó đen theo đúng phong tục của người Triều Tiên. Theo cách giải thích của những người thân của các chiến sỹ ở đây thì họ quan niệm cá chép hồng chôn theo là để cầu cho linh hồn những người đã khuất được siêu thoát. Những con cá chép hồng đó sẽ đưa con em của họ vượt sông, vượt biển trở về với quê hương.... Khi mới chôn cất các chiến sỹ nơi đây, mộ được đắp bằng đất nhưng nấm nào cũng đồ sộ lắm. Cũng từ đó, bà con nhân dân xem họ như người thân của mình, quanh năm hương khói, chăm sóc phần mộ...".


Nghĩa trang quốc tế giờ thành nơi gửi xe tang của thôn.



Chuỗi ngày “đẹp như tiểu thuyết”


Đang dở dang câu chuyện thì bà Thiện - người bạn đời hiện tại của ông Dậu xuất hiện. Khi biết chúng tôi là phóng viên, bà nhanh nhảu nhập cuộc rồi kể vanh vách về những gì bà được nghe, được thấy. Bà Thiện kể, hồi nghĩa trang mới được xây dựng ở đây, chính bà cụ bên cạnh nhà bà là người được giao trông nom, hương khói cho các liệt sỹ. Mỗi tháng bà cụ được huyện cấp cho mấy chục nghìn đồng để mua chổi, hương và nến... Tính ra không đáng là bao nhưng vì nghĩa tình lớn lao đối với những người đã hy sinh vì sự độc lập của đất nước mình nên bà cụ vẫn vui vẻ làm. Đến năm 1998, khi bà cụ qua đời thì ông bà lại kế tục công việc chăm sóc nghĩa trang.

Từng có một đoàn làm phim Triều Tiên về đây làm phóng sự về nghĩa cử của ông bà. Những vỏ bình rượu sâm Triều Tiên hay chiếc đồng hồ nữ... những món quà tặng mà thân nhân của các liệt sỹ đã tặng ông bà trong những lần họ về đây ông bà vẫn cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng.


Trước đây, ngoài ngày rằm và mùng Một hàng tháng thì vào các ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, ngày thành lập Quân đội Triều Tiên 24/5, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12... dù bận bịu đến mấy ông bà cũng có mặt ở đây từ sáng sớm để hương khói cho các liệt sỹ và đón tiếp khách phương xa tới thắp hương. Đặc biệt, vào ngày 24/5 hàng năm, không năm nào là Đại sứ quán Triều Tiên cùng thân nhân của các liệt sỹ không về đây thăm nom phần mộ.


"Trước đây, khi hài cốt của các liệt sỹ chưa được mang về nước thì năm nào vào 24/5 là ngày Truyền thống Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng có người của Đại sứ quán Triều Tiên, người thân của các liệt sỹ, đại diện chính quyền các sở ban ngành cấp tỉnh đến cấp xã và bà con nhân dân quanh vùng về đây đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm. Đến năm 2002, thì Đại sứ quán Triều Tiên quyết định đưa hài cốt của các anh về nước. Từ ngày các anh trở về quê mẹ, dân làng chúng tôi thấy trống trải lắm, nghĩa trang cũng trở nên vắng vẻ, hắt hiu đi nhiều...”, bà Thiện bùi ngùi.


Trong hoài niệm của bà thì những năm tháng gắn bó với nghĩa trang, với những phần mộ nơi đây là những chuỗi ngày "đẹp như tiểu thuyết". Bởi những ngày tháng đó bà được trải nghiệm với bao nhiêu cảm xúc và câu chuyện về từng con người. Trong đó, những hình ảnh của ngày quân đội Triều Tiên tiến hành cất bốc hài cốt các liệt sỹ để mang về nước khiến bà không thể nào quên. Bà nhớ như in những giọt nước mắt của các thân nhân liệt sỹ khi họ được ôm trong lòng mình nắm hài cốt nhỏ bé của những người thân.



Bát hương cũ bị vứt chỏng chơ trong khuôn viên nghĩa trang.


"Hôm đó, bà con xung quanh làng đến xem đông lắm nhưng vì không được phép vào nên bà con chỉ đứng ngoài nhìn vào thôi. Hài cốt lúc đào lên không tìm thấy hiện vật kỷ niệm nào hết, có người thậm chí khi hy sinh bị cháy nên không còn tro cốt, chỉ là một nắm đất đen tượng trưng. Chỉ duy nhất có một chiến sỹ là vẫn còn nguyên xương cốt. Mỗi mộ khi được đào lên đều được rải 20 lít rượu nếp cái hoa vàng để xua mùi xú uế. Sau khi hoàn tất thủ tục ở nghĩa trang thì hài cốt các liệt sỹ được xe chở về nhà tang lễ bệnh viện 108 của Bộ Quốc Phòng để tổ chức lễ truy điệu theo nghi thức nhà nước. Hôm đó tôi cũng được mời đi theo đoàn lên Hà Nội nên được chứng kiến từ đầu đến cuối các nghi thức", bà Thiện nhớ lại. Bà Thiện còn cho biết, trong suốt thời gian chăm sóc nghĩa trang, bà từng được tiếp xúc với rất nhiều đoàn khách đến đây thăm viếng.


Giờ đây, cứ hễ đến những ngày lễ là ông Dậu bà Thiện không ai bảo ai, lại lặng lẽ mang hương hoa ra nghĩa trang thắp hương cho những người bạn mà ông bà từng gắn bó. Ông bà làm việc đó như một thói quen bởi nghĩa tình họ đối với những người đã khuất giờ đã thành một điều cố hữu trong tâm tưởng.


Theo GD&XH


Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động