Thứ ba 16/07/2024 14:47

Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh... Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều rào cản, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững, chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế…
Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn
Thu hoạch hoa đồng tiền tại xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) - sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh minh họa: Nguyễn Mai.

Cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đây là chính sách tổng thể cấp quốc gia đầu tiên về OCOP.

Đến ngày 1/8/2022, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được ban hành kèm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại, sự đón nhận của địa phương đối với chương trình rộng khắp khi được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã. Đây là chính sách có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.

Tại Tọa đàm “Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 12/7, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Hoàng Thanh Nhàn cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình, tính đến tháng 5/2024, cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP.

Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch…

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các sản phẩm OCOP. Các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP.

Các gói tín dụng này đã góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; phát triển thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu...

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều rào cản và chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Số lượng phát triển nhanh song chất lượng thì các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều hạn chế; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa sản xuất và cung ứng.

Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa

Theo Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank Chu Ngọc Quý, Agribank là ngân hàng luôn đi đầu trong thực hiện chính sách trong đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, việc phát triển Chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

Hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại), hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), hoặc tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp đang được triển khai tại Agribank.

Tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai từ 26/1/2024 thì đến nay đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.

Đối với các khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm theo Chương trình OCOP có nhu cầu vay vốn liên hệ trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch Agribank trên toàn quốc để được tư vấn, hỗ trợ vay vốn theo các chương trình chính sách và các chương trình cho vay của Agribank, một số chương trình cho vay chính như cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; chương trình cho vay đối với Khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh...

Đặc biệt, Agribank có chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng; đối tượng khách hàng là khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP thuộc các nhóm sản phẩm; lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3-5 sao thấp hơn tối đa 2,0%/năm. Chương trình mới triển khai 26/1/2024 đến nay có 28/171 chi nhánh triển khai, doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP như các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn...

Theo các chuyên gia, để Chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Với các chủ thể OCOP, yêu cầu của thị trường, của kinh tế hàng hóa đã và đang đặt ra những đòi hỏi phải luôn có sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, để phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của hoạt động truyền thông, báo chí nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của Chương trình OCOP.

Hà Nội phát triển thêm từ 10 đến 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2024
Phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố
Huyện Phúc Thọ: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động