Thứ hai 25/11/2024 07:02
Chương trình OCOP của Hà Nội:

Phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Thủ tướng phát động từ năm 2018, TP Hà Nội đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả từ TP đến cơ sở. Đến nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP.
Sản phẩm rượu Đông trùng Hạ thảo  - sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên
Sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo - sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên

Địa phương dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP

Đến nay, TP Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. TP Hà Nội đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, TP Hà Nội công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm). Năm 2023, TP Hà Nội công nhận 104 sản phẩm 4 sao.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương - chủ cơ sở sản xuất nón lá làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) cho biết, đã gắn bó với công việc làm nón được gần 50 năm, cùng nhiều thăng trầm nhưng với tình yêu, đam mê sáng tạo trên chiếc nón lá mà chị được thừa hưởng từ người mẹ của mình nên luôn nỗ lực, cố gắng bám trụ với nghề cho đến nay.

Theo Nghệ nhân Tạ Thu Hương, cá nhân chị đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt từ huyện Thanh Oai và TP Hà Nội. Năm 2019, chị được công nhận là Nghệ nhân cấp TP Hà Nội và 6 sản phẩm nó lá của của chị được công nhận OCOP 4 sao.

Ông Dương Bá Mẫn -Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, trên địa bàn huyện Thanh Oai có 21 xã, thị trấn gồm 129 thôn (làng), tổ dân phố trong đó có 46/51 làng nghề truyền thống được công nhận đang duy trì hoạt động và phát triển tập trung ở 14 xã.

Huyện Thanh Oai cũng đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng (52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao) trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến người tiêu dùng và du khách đến với xã Bích Hòa nói riêng và huyện Thanh Oai.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, tính đến nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có có 67 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 30 sản phẩm đạt 4 sao, 37 sản phẩm đạt 3 sao.

“Năm 2019, huyện Phúc Thọ có 8 sản phẩm được công nhận (05 sản phẩm 4 sao 03 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2020, có 17 sản phẩm được công nhận (13 sản phẩm đạt 4 sao; 4 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2021, có 25 sản phẩm được công nhận (7 sản phẩm đạt 4 sao; 18 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2022, có 9 sản phẩm được công nhận (4 sản phẩm đạt 4 sao; 5 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2023, có 9 sản phẩm được đánh giá công nhận (1 sản phẩm đạt 4 sao; 08 sản phẩm đạt 3 sao)” - ông Nguyễn Văn Thái – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thông tin.

Ông Khuất Quang Cảnh – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, UBND huyện thường xuyên tuyên truyền đến các xã, thị trấn và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên hệ thống thông tin đại chúng và các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm OCOP, bài viết chuyên đề, câu chuyện sản phẩm gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể. Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền tới lực lượng thanh niên, phụ nữ, trí thức trẻ để tạo ra nhiều sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng) gắn với thế mạnh, đặc thù của từng địa phương.

Theo ông Lê Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn. Nhiều nông sản sạch địa phương đã được công nhận nhãn hiệu như: bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, cà dầm tương, tương nếp,...

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Hà Nội, sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, TP Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

“Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm” – ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

"Gắn sao" sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Sản phẩm nón lá làng Chuông – sản phẩm OCOP 4 sao của cơ sở sản xuất nón lá làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Văn Biên
Sản phẩm nón lá làng Chuông – sản phẩm OCOP 4 sao của cơ sở sản xuất nón lá làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Văn Biên

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, trong 2 ngày 10- 11/1/2024 vừa qua, Hội đồng OCOP TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 đối với sản phẩm tiềm năng 4 sao. Theo đó, 104 sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá, phân hạng. Đây là các sản phẩm đã được đánh giá qua vòng cấp huyện, có tiềm năng đạt OCOP 4 sao.

Trong 104 sản phẩm này, có 93 sản phẩm thực phẩm, 1 sản phẩm thảo dược, 7 sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, vải may mặc, 3 sản phẩm sinh vật cảnh của 32 chủ thể.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết, khác với mọi năm, năm 2023, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện theo Quyết định 148/QĐ-TTg (ngày 24/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ về quy định Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, việc đánh giá sẽ được thực hiện theo các cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương, tương ứng các mức độ 3 sao, 4 sao, 5 sao của sản phẩm OCOP.

Trong năm 2023, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã thực hiện đánh giá, phân hạng 544 sản phẩm, đạt và vượt 136% kế hoạch TPP giao. Trong đó, 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh).

Các sản phẩm được đánh giá đa dạng về chủng loại, bao gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến (chiếm 51,5%). 16 sản phẩm thực phẩm thô (chiếm 2,9%). 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống (chiếm 1,2%). 16 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,9%). 1 sản phẩm thảo dược (chiếm 0,2%). 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc (chiếm 26,1%) 28 sản phẩm sinh vật cảnh (chiếm 5,1%). Trong đó, có 141/544 sản phẩm từ làng nghề (chiếm 25,9%)...

Ngày 4/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023.

Theo đó, UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2023 thuộc Chương trình OCOP đối với 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể tham gia Chương trình OCOP cấp TP Hà Nội năm 2023.

Cụ thể, Tây Hồ 1, Hoài Đức 8, Phúc Thọ 1, Mỹ Đức 4, Ứng Hòa 5, Thanh Trì 12, Gia Lâm 1, Phú Xuyên 12, Long Biên 10, Thanh Oai 1, Ba Vì 10, Mê Linh 1, Đan Phượng 3, Thạch Thất 7, Thường Tín 3, Quốc Oai 2, Hoàn Kiếm 5, Đông Anh 5, Hà Đông 1, Chương Mỹ 12.

Kết quả phân hạng có giá trị trong 36 tháng, kể từ ngày ký ban hành Quyết định. Các sản phẩm đạt 4 sao OCOP TP Hà Nội năm 2023 được khen thưởng theo quy định hiện hành.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở NN&PTNT (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội) có trách nhiệm tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận và chi giải thưởng cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao được UBND TP Hà Nội phân hạng năm 2023.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã, đang và sẽ thúc đẩy việc đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận biết và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh, TP khác. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội và cả nước vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online và xuất khẩu để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, để chương trình OCOP phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chương trình OCOP. Đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế…

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Chương trình OCOP được triển khai rộng khắp trên địa bàn Hà Nội (không chỉ ở các huyện mà cả ở các quận đô thị) đã phát huy được tiềm năng của TP, với hơn 1.350 làng nghề/làng có nghề (chiếm khoảng 20% tổng số của cả nước) và đặc sắc về văn hoá ẩm thực. Đặc biệt trong cơ cấu sản phẩm OCOP của Hà Nội, tỷ lệ sản phẩm 4 sao chiếm tới 67%, trong khi cả nước chỉ có khoảng 32%, điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà vẫn đảm bảo về chất lượng.
Hà Nội: nhiều sản phẩm hàng nông sản, đặc sản vùng miền sẽ được quảng bá đến người tiêu dùng
Nhiều đặc sản nông sản nổi tiếng tại Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP
Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn với du lịch địa phương
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động