Thứ bảy 09/11/2024 02:30

Chủ trang mạng "Học làm giàu" nhận án tù chung thân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 21-5, sau 5 ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết với Phạm Thanh Hải, SN 1966, nguyên là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng “Học làm giàu”.

Theo cơ quan tố tụng, Hải là tiến sỹ Vật lý, cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ IDT. Trong giấy phép đăng ký kinh doanh, IDT không có nội dung huy động vốn. Sau một thời gian hoạt động trên mạng internet không có hiệu quả, Hải bắt đầu huy động vốn cho cá nhân. Hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút nhà đầu tư, Hải đều thông qua danh nghĩa IDT và tổ chức hội thảo tại trụ sở công ty.

Tại các buổi hội thảo, Hải quảng bá rầm rộ IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô”. Để chứng minh lời quảng bá, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.

Hải cũng chi đậm từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới nhằm khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn. Huy động vốn được thể hiện dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư.

CQĐT làm rõ, từ tháng 10-2014 đến 10-2015, Hải đã huy động số tiền hơn 2.700 tỷ đồng của 2.574 người với tổng số 8.303 hợp đồng. Số tiền này Hải sử dụng 114 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án với danh nghĩa cá nhân và cho vay cá nhân 22,9 tỷ đồng.

Chủ trang mạng
Bị cáo Hải tại tòa

Dòng tiền huy động rất lớn nhưng Hải không quản lý thu, chi theo sổ sách. Càng về sau, số lượng người đến nộp tiền càng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng cũng đội thêm hàng trăm tỷ đồng. Vị tiến sỹ vật lý tiếp tục dùng thủ đoạn trên huy động vốn của những nhà đầu tư mới, lấy tiền người sau để trả cho người trước, tránh hệ thống bị đổ vỡ.

CQĐT đã nhận được nhiều đơn đề nghị, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tiến sĩ này. Họ khẳng định, nếu biết việc đầu tư cho cá nhân Hải thì họ không đồng ý tham gia.

Có người, sau khi ký hợp đồng chưa nhận được tiền lãi như cam kết. Đáng nói, nhóm bị hại khác lại từ chối làm việc với CQĐT, thậm chí có đơn đề nghị cho bị cáo được tại ngoại. Tại tòa, một số người có ý kiến quả quyết, không tố cáo vì Hải không lừa đảo và không nhận mình là bị hại.

Trả lời tòa, Hải cho rằng, đến năm 2018, dự án “Học làm giàu” có khả năng sinh lời tỷ đô la. Theo danh sách, hiện có 508 người ủy quyền cho 490 người có đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi số tiền 594 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Tòa án xác định những người này là bị hại của vụ án.

Đáng chú ý, trong vụ án có một bị can trong vụ Liên Kết Việt nộp 80 tỷ đồng vào IDT. Người này thừa nhận, đổ tiền cho Hải vì nhận được lãi suất rất cao, hơn cả tiền lãi Liên Kết Việt trả cho nhà đầu tư. Bị hại đã mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, đề nghị bị cáo Hải phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.

CQĐT đã thông báo tới hơn 2.500 người bị hại nhưng chỉ có hơn 500 người hợp tác còn những người khác không hợp tác hoặc còn bị lôi kéo…

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Có nhiều đối tượng tụ tập đông người, lập các trang mạng kêu gọi chống đối, khống chế người bị hại làm theo bất lợi của họ. Họ là ai, người bị Hải xâm phạm tài sản hay đang được hưởng lợi % kết nối theo kiểu đa cấp cần được CQĐT làm rõ.

Vị chủ tọa kết luận, bị cáo thành khẩn khai báo nhưng chưa ăn năn hối cải nên tòa xác định tù không thời hạn. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo bồi thường cho 508 người là 387 tỷ đồng.

Do đó, HĐXX sơ thẩm ngày 21-5 của TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động