Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Ngành Nội vụ tư duy, hành động, đổi mới vì Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Chiều 9/1, Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; lãnh đạo Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc TP.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ trụ sở UBND TP đến Sở Nội vụ Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Tham mưu hoàn thành khối lượng công việc lớn
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, thực hiện phương châm hành động năm 2023 của Bộ Nội vụ và chủ đề công tác năm 2023 của TP Hà Nội, toàn ngành Nội vụ TP đã tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện toàn diện các mặt công tác thuộc lĩnh vực Nội vụ với trách nhiệm cao nhất và đạt được những kết quả quan trọng.
Nổi bật là kết quả khả quan trong thực hiện các công tác: Rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế các sở, ban, ngành thuộc TP; tham mưu triển khai sắp xếp đơn vị hành (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025; tổ chức đánh giá các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, báo cáo TP và Trung ương; tham mưu hệ thống văn bản triển khai Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Đồng thời, tham mưu triển khai các công tác nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP; cải cách hành chính; quản lý Nhà nước về thanh niên. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; thi đua, khen thưởng; văn thư-lưu trữ…
Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng thể chế chính sách, trong năm, Sở đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP 2 Nghị quyết QPPL (quy định về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư nghỉ tinh giản biên chế do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp ĐVHC cấp xã); tham mưu UBND TP ban hành 9 văn bản QPPL.
Thực hiện công tác tổ chức bộ máy và biên chế, Sở tham mưu UBND TP thành lập Tổ công tác triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính (TTHC) tại các sở, ban, ngành. Sở Nội vụ - cơ quan thường trực Tổ công tác đã làm việc với 18 sở, xây dựng báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo và được Ban chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thông qua phương án sắp xếp các sở, ban, ngành. Đến nay, Sở Nội vụ đã trình UBND TP xem xét, quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của 4 sở (Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT); các sở còn lại hoàn thành trong tháng 1/2024.
Thực hiện Nghị định 111/2022/NĐ-CP, Sở tham mưu UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về phê duyệt 3.119 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm chuyên môn đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 4 thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế, trên cơ sở đó, UBND TP tháng 8/2023 đã ban hành quyết định về phân bổ 3.119 chỉ tiêu này.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, trong công tác cải cách hành chính, đáng chú ý Sở đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND TP ban hành chương trình hành động về công tác chỉ đạo điều hành năm 2023, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc TP thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 theo tinh thần 3 “rõ”. Phương thức hoạt động điều hành, phương pháp theo dõi, đánh giá, kiểm tra cải cách hành chính không ngừng được đổi mới.
Trong đó, Sở đã tham mưu TP thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số TP và các hoạt động của Ban chỉ đạo; tham mưu họp Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin điều tra xã hội học phục vụ khảo sát trực tuyến, thu thập thông tin để xây dựng cơ chế, chính sách của TP; đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn…
Tăng cường phân cấp, ủy quyền, sát dân, sát doanh nghiệp
Tại Hội nghị đã ghi nhận một số ý kiến tham luận của lãnh đạo các đơn vị, địa phương như Thanh tra Sở Nội vụ, Sở NN&PTNT, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND huyện Gia Lâm…, liên quan các lĩnh vực công tác ngành Nội vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu một số vấn đề ngành nội vụ của TP cần chú trọng triển khai, liên quan công tác tổ chức bộ máy, xác định vị trí việc làm, tuyển dụng… Trong đó nhấn mạnh, ngay trong tháng 1/2024, TP sẽ hoàn thành phê duyệt cơ cấu tổ chức tại 52 sở, ban, ngành TP; tới đây sẽ có lộ trình cụ thể khắc phục tình trạng một số lĩnh vực hiện nay không có vị trí việc làm, nhằm tập trung vào chuyên môn sâu, làm tốt công tác tổ chức biên chế, tiến tới khắc phục về biên chế “nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu”.
“Công tác này sẽ có những động chạm, nhưng nếu không giải quyết được về vị trí việc làm, không hoàn thiện được về biên chế, để thực hiện theo chính sách lương mới từ tháng 7/2024. Vì vậy, đề nghị các sở ngành, quận huyện tích cực cùng TP triển khai công tác này”- Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nêu rõ.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP |
Ghi nhận các ý kiến, phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong năm 2023, Sở Nội vụ Hà Nội có thay đổi người đứng đầu, công việc của TP nói chung và ngành Nội vụ nói riêng rất bề bộn, nhưng với sự cố gắng nỗ lực cao, Sở đã tham mưu TP ban hành được những quyết sách quan trọng, động chạm rất nhiều người, liên quan cơ cấu, sắp xếp tổ chức bộ máy, ban hành chuẩn hóa các quy chế, quy trình làm việc của các sở, ngành, quận, huyện… Từ đó, đã góp phần chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính, tạo tiền đề đóng góp vào hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của TP.
Tuy nhiên, trước những nhiệm vụ năm 2024 tiếp tục rất nặng nề, Chủ tịch UBND TP đề nghị, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ phối hợp các sở ngành nghiên cứu tham mưu cho TP xây dựng được một mô hình quản lý tăng cường phân cấp, ủy quyền cho phù hợp, theo tinh thần chung là sát dân, sát doanh nghiệp. Cùng đó, quan tâm tham mưu TP lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc đảm bảo nền nếp, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tham mưu TP sớm thiết lập được quy chế kiểm soát, kiểm tra, giám sát công việc cho tốt, để căn cứ vào đó đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP lưu ý Sở Nội vụ tham mưu TP xây dựng được văn hóa công sở của người cán bộ Thủ đô, bên cạnh chuyên môn vững vàng, luôn có tâm thế, khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến. Cán bộ công chức Hà Nội tiếp tục trăn trở, nghiêm túc nhìn lại, để thực sự chuyển biến từ nhận thức, tư duy đến hành động.
Theo Chủ tịch UBND TP, với khối lượng rất nhiều công việc thầm lặng, không thể kể tên, ngành Nội vụ Hà Nội cùng các địa phương, đơn vị tiếp tục nêu cao “tinh thần mới” để làm mới những gì đang có, tạo không gian phát triển mới, năng suất mới, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.
“Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ của ngành Nội vụ thời gian tới. Với tinh thần đoàn kết, làm việc tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức trong ngành, từ cấp cơ sở đến TP, cùng nhau tư duy, hành động và đổi mới vì Hà Nội, chọn việc trọng tâm để làm cho hiệu quả, chắc chắn sẽ góp phần đưa Hà Nội có sự tăng trưởng vượt bậc”- Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại đã được thẳng thắn nhìn nhận, trong năm 2024, ngành Nội vụ TP xác định sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể theo 9 lĩnh vực công tác của ngành. Đáng chú ý, ngành sẽ tham mưu TP hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; tham mưu xây dựng các văn bản QPPL triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua. Đồng thời, Sở sẽ hướng dẫn, rà soát xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND quận, huyện, thị xã và xác định số lượng người làm việc, xây dựng phương án giao chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, địa phương, đơn vị khối chính quyền TP phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn; hướng dẫn, triển khai công tác chuyển xếp lương đối với công chức, viên chức thuộc TP sau khi Chính phủ ban hành các quy định chi tiết thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại