Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Luật Thủ đô sẽ "mở đường" cho lĩnh vực văn hóa - xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị |
Ngày 16/8, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2024.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, lãnh đạo các sở, ngành; cùng hơn 120 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn TP.
Những năm qua, TP Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án văn hóa - xã hội, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, đòi hỏi có các giải pháp phù hợp và hiệu quả về chính sách hỗ trợ để điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án phát triển.
Tại hội nghị, các vấn đề đại diện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nêu ra đã được lãnh đạo các sở, ngành chức năng của TP Hà Nội trao đổi, giải đáp. Để qua đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn trong đầu tư, hoạt động của lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư lĩnh vực giáo dục
Về lĩnh vực giáo dục, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ Việt Nam cho biết, công ty có nhiều giáo viên nước ngoài dạy tại các trường học trên địa bàn TP. Hiện nay, công ty gặp những khó khăn liên quan đến yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ… với người lao động nước ngoài. Công ty mong muốn được hỗ trợ trong việc cấp phép cho người lao động?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Bạch Liên Hương cho biết, hiện nay, việc cấp phép cho lao động nước ngoài thực hiện theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP và 152/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về cấp phép cho lao động nước ngoài. Vì vậy, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, bằng cấp, chứng chỉ, Sở tiếp thu và kiến nghị với Bộ LĐTB&XH có điều chỉnh, sửa đổi.
Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Bạch Liên Hương trả lời ý kiến của doanh nghiệp |
“Ngoài quy định của T.Ư, TP Hà Nội không ban hành quy định riêng. TP luôn tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính để các đơn vị, DN, trung tâm. Mặt khác, gần đây, trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài, chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo của UBND TP tiếp tục uỷ quyền cho quận, huyện, thị xã” - Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương thông tin.
Cũng liên quan vấn đề này, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, mỗi năm có khoảng 4.000 giáo viên nước ngoài, bản địa đến với Thủ đô Hà Nội để đào tạo trình độ tiếng Anh cho các trung tâm, học sinh trên địa bàn TP. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã đưa ra những nội dung quan trọng, đó là làm thế nào đảm bảo theo quy định tại thông tư của Bộ GD&ĐT đã đề ra.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, mỗi năm có khoảng 4.000 giáo viên nước ngoài, bản địa đến với Thủ đô Hà Nội để đào tạo trình độ tiếng Anh cho các trung tâm, học sinh trên địa bàn TP |
Đại diện Công ty Cổ phần công nghệ và đầu tư Đức Minh cho biết, công ty làm dịch vụ đào tạo kế toán, văn phòng phần lớn là sinh viên, học sinh. Công ty mong muốn được UBND TP hỗ trợ học phí cho gia đình chính sách, thương bệnh binh?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Bạch Liên Hương đề nghị công ty làm rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đào tạo ở trình độ thế nào, cao đẳng hay trung cấp, sơ cấp dưới, loại hình hỗ trợ thế nào? Bởi tất cả loại hình này, theo quy định của Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách khác nhau.
Hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết chuyên đề và thông qua đề án hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. UBDN TP có Kế hoạch thực hiện nội dung này. Hàng năm, Sở LĐTB&XH phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa triển khai đào tạo 2.000 – 3.000 lao động, với điều kiện các DN có đăng ký tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng lao động của mình.
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH, đối với gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, hộ nghèo, Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cho con em gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo. Đề nghị DN tìm hiểu thêm và tiếp tục trao đổi với Sở LĐTB&XH để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn.
Nhiều ưu đãi trong lĩnh vực văn hóa
Về lĩnh vực văn hóa, đại diện Công ty CP tập đoàn Đông Quang đặt câu hỏi, Hà Nội có những chính sách ưu đãi gì đối với ngành quảng cáo?
Theo Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng, trong Luật Thủ đô đã có thêm những quy định liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa |
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trong Luật Thủ đô 2024 đã có thêm những quy định liên quan đế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có thêm các lĩnh vực là văn hóa ẩm thực, quảng cáo.
“Trong lĩnh vực quảng cáo có phần miễn thuế thuê đất 10 năm và giảm từ 50% thời gian còn lại. Với thuế thu nhập DN, miễn thuế 4 năm và giảm từ 9 năm tiếp theo. Sở đã đưa ra những chính sách rất cụ thể trong qua trình tham mưu xây dựng Luật Thủ đô. Sau đây, chúng tôi sẽ báo cáo UBND, trình HĐND TP để áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực” - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng thông tin.
Trả lời vấn đề liên quan đến thí điểm triển khai màn LED trên địa bàn TP Hà Nội trong quảng cáo được DN đưa ra, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở đã và đang làm việc với Bộ VHTT&DL, Tổ soạn thảo sửa đổi Luật Quảng cáo để đưa nội dung quảng cáo này và nhiều hình thức quảng cáo khác vào quy định.
Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại
Về lĩnh vực y tế, liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, GS-TS Đỗ Tất Cường - Phó Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec đặt câu hỏi về những chính sách của TP trong hỗ trợ các doanh nghiệp y tế, đặc biệt là khối tư nhân trong việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; kế hoạch của TP trong phối hợp với các trường đại học, cao đẳng ngành y tế để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện nay; các chương trình xúc tiến đầu tư của TP nhằm thu hút các dự án y tế và công nghệ cao...
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương trả lời ý kiến của doanh nghiệp |
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ của TP là 16 bác sĩ/10.000 người dân; số lượng giường bệnh/10.000 dân đạt 31,6%. Hiện nay, có khoảng 20 dự án của các bệnh viện tư nhân đang làm thủ tục đầu tư tại Hà Nội; có 4 dự án được đưa vào hoạt động với khoảng 5.000 giường bệnh.
Về các vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác trong công tác khám, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng của y tế, TP luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để thực hiện việc này, vẫn cần theo quy định pháp luật.
“Giai đoạn tiếp theo, khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung liên quan tới lĩnh vực y tế. Trong đó, các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi” - Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương thông tin.
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân trả lời |
Trong những năm gần đây, TP luôn tích cực thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội. Cụ thể, TP tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và các thủ tục liên quan đến đầu tư y tế, giảm bớt giấy tờ và quy trình phức tạp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thành phố thông minh…
Ngoài việc thực hiện các ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư, TP đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong một số lĩnh vực trong đó có y tế (giảm 60% tiền thuê đất đối với 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; miễn tiền thuê đất đối với các quận, huyện còn lại khi đáp ứng đủ điều kiện).
Luật Thủ đô 2024 vừa mới ban hành cũng nêu rõ định hướng phát triển và ban hành chính sách đối với y tế Thủ đô là xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn… Trên cơ sở đó, TP đang tập trung xây dựng các chính sách, quy định để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô 2024.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, TP Hà Nội luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế...
“Hàng năm, TP luôn thực hiện công bố danh mục thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô” - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân chia sẻ.
Phân loại, sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch UBND TP, trong những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng trên nhiều lĩnh vực, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, kết quả đó là công sức của nhiều thành phần, trong đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, mới đây, Luật Thủ đô đã được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ "mở đường" về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội… |
"TP luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò, đóng góp, sự nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Từ đó xác định được trách nhiệm của TP với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù TP đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình thủ tục hành chính"- Chủ tịch UBND TP nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội bằng những hành động, việc làm cụ thể. Mới đây, Luật Thủ đô 2024 được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ "mở đường" về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hóa – xã hội. TP đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi căn bản hơn trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng thời, TP cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp phát triển.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn trong đầu tư, hoạt động của lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, UBND TP sẽ quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP giao các sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm, cũng như sớm kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại