Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trong trái tim của người Việt và nhân loại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài hát "Kết đoàn" trong buổi dạ hội của nhân dân Thủ đô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN) |
Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Người luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ XX.
Theo thống kê chưa đầy đủ có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng nghìn bài báo trên thế giới… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bao trùm lên tất cả những bài viết, bài nói về Người, là một sự khâm phục, ngưỡng mộ, kính trọng về một con người “Đại nhân, Đại trí, Đại dũng.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế
Trong trái tim nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, người đồng chí, người thầy kính yêu, người bạn thân thiết. Vẻ đẹp của Bác trong lòng bạn bè quốc tế không chỉ là sự giản dị, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, mà còn là trí tuệ uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, lý tưởng và hoài bão cao đẹp “hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân.”
Cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu về Bác: “đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông.”
Còn nhà văn nữ Blaga Dimitrova của Bulgaria lại viết trong "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh”: “Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh…."
Còn với Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra: "Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao."
Tháng 11/2013, Tổng thống Liên Bang Nga Vladimir Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: "Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân.”
Niềm cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ
Thời gian qua đi, bóng tối chiến tranh cũng đã qua đi, nhưng những dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lưu giữ tại nhiều nơi mà Người từng đi qua trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tìm con đường giải phóng dân tộc.
Trên thế giới, có tới 29 công trình tượng, tượng đài, 11 khu tưởng niệm được xây dựng; 20 con đường, đại lộ và nhiều trường học được đặt tên Người. Có rất nhiều đất nước xa xôi khác nữa, có thể không dựng tượng Bác, nhưng trong lòng bạn bè quốc tế, luôn có một "tượng đài" Hồ Chí Minh vĩnh cửu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Công viên Montreau, tại Paris, Pháp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ở một số nước xuất hiện môn “Hồ Chí Minh học,” nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, sinh viên chọn Hồ Chí Minh làm đề tài nghiên cứu…
Ở Pháp có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 đến 1927. Trong đó, nổi bật là Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp có thể kể đến "Bản Yêu sách của nhân dân An Nam" do Nguyễn Ái Quốc ký tên gửi tới Hội nghị Versaille… Hay tại thủ đô Moskva nước Nga, có một quảng trường rất đặc biệt mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Quảng trường Hồ Chí Minh.
Tượng đài Bác Hồ tọa lạc tại trung tâm quảng trường rộng lớn, bên dưới có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Nga. Còn tại thành phố Saint Petersburg, Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, đã thành lập Học viện Hồ Chí Minh, nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa Việt Nam...
Tài năng và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là niềm cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ thế giới. Đã có nhiều bộ phim, nhiều bài hát của tác giả nước ngoài viết về Người, trong đó phải kể đến bài hát “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl. Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc trong các sự kiện quốc tế về Bác.
Bài hát đã đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn của biết bao người. Có lẽ, bất kỳ ai khi nghe bài hát này đều không thể kìm được cảm xúc của mình, vì bài hát chứa đựng tình cảm sâu sắc của bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh...
“Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời
Người dân ở đó lầm than đói nghèo
Từ đau thương Người đi khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi
Rọi chiếu tới dân mình
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại