Chợ đồ cũ Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThế giới đồ cũ, đồ xưa
Cách đây khoảng 2 năm, vài người đàn ông đến khu đất trống thuộc dự án Làng nghề Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội (gần ngã tư phố Cầu Am - Tố Hữu) rải bạt để bày bán mấy món đồ cũ như thau đồng, mâm đồng, lọ hoa, đĩa, bát cũ, thậm chí cả mấy cái máy sấy tóc, sạc điện thoại thuộc loại cổ lai hy. Khi đấy đã không ít người cười khẩy “mấy ông dở hơi” này?! Thế nhưng thật kỳ lạ là mấy món đồ đã bạc màu thời gian ấy lại nhanh chóng thu hút rất nhiều người đến hỏi, ngắm nghía, trong số đó có cả những người rất trẻ…
Tiếng lành đồn xa, chỉ vài tháng sau, khu vực này đã có hàng chục người bán đồ cũ, đồ xưa từ các nơi kéo về tụ hội. Số người bán hàng tăng nhanh, lượng người đến chợ mua bán, giao lưu vào các buổi chiều còn tăng nhanh hơn, mặt hàng cũng phong phú. Hàng hóa thì đủ loại, từ những món đồ giá trị như máy nghe nhạc cổ, đồng hồ cổ, bàn ghế cổ, tranh cổ, đồ gốm cổ… đến những thứ chỉ vài nghìn đồng như sạc điện thoại, máy sấy tóc, huy hiệu…
Khác với những chợ đến chỉ để mua bán, chợ đồ cũ Vạn Phúc lại là nơi rất nhiều người chỉ đến… để chơi, để ngắm. Cụ Đinh Văn Dũng, hơn 70 tuổi cho biết: “Nhà tôi ở mãi Cầu Bươu, quận Thanh Trì nhưng mỗi tuần tôi đạp xe lên chơi chợ 2, 3 lần. Đã mắt lắm, ở đây tôi gặp lại những kỷ vật từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, những thứ tưởng như đã không thể gặp lại. Đôi khi tôi cũng mua được vài món đồ rất thú vị mà giá chỉ vài chục nghìn đồng”.
Trước sự phát triển nhanh, tự phát của chợ đồ cũ này, lãnh đạo phường Vạn Phúc đã xin ý kiến các cụ Hội người cao tuổi và cử tri trong phường Vạn Phúc, tạm thời thành lập Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cũ, đồ xưa Vạn Phúc (gọi tắt là Chợ đồ cũ) để bảo đảm an ninh, phòng ngừa cháy nổ, trộm cắp tại khu vực này.
Một vị lãnh đạo phường Vạn Phúc cho hay: “Đây không phải là chợ vì muốn thành lập chợ phải xin phép cơ quan chức năng. Do lượng người về đây giao lưu ngày một đông, khu đất này cũng chưa sử dụng đến nên chúng tôi tạm thời thành lập trung tâm này để có chỗ cho bà con giao lưu. Việc làm này nhằm tạo sân chơi cho những người mê đồ cổ, đồ cũ và thu hút khách du lịch đến với Vạn Phúc chứ không nhằm mục đích tìm kiếm tài chính cho phường”.
Điểm đến của những người yêu thích đồ cũ, đồ xưa
Chợ đồ cũ không có đầu gấu bảo kê
Đó là khẳng định của tiến sĩ Đỗ Quý Vĩnh, 80 tuổi, hiện đang sinh hoạt tại Hội người cao tuổi phường Vạn Phúc. Cụ Vĩnh chia sẻ: “Khi còn công tác tại Bộ TN&MT tôi cũng từng đi nhiều nước và thấy những nước văn minh như Pháp, Nga, I-rắc cũng có chợ đồ cũ. Đó là nơi để giao lưu và có ý nghĩa giúp đỡ những người còn nghèo chưa đủ điều kiện mua đồ mới. Khi phường Vạn Phúc có chủ trương tạo Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cũ, đồ xưa để tạo điều kiện cho bà con mua bán, giao lưu đồ cổ, đồ cũ Hội người cao tuổi chúng tôi rất ủng hộ vì đây là chủ trương đúng. Chợ đồ xưa, đồ cũ này đã đáp ứng nguyện vọng của bà con trong khu vực, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân Vạn Phúc đã mất đất canh tác. Tôi khẳng định, ai nói chợ này có đầu gấu bảo kê là vu khống, bịa đặt. Tôi cũng khẳng định tại đây chưa xảy ra mất cắp, chưa có vụ đánh nhau nào CA phải can thiệp”.
Cụ Nguyễn Văn Thanh, 80 tuổi, cán bộ hưu trí, sinh hoạt tại Hội người cao tuổi Tổ dân phố Chiến Thắng, phường Vạn Phúc cũng cho biết: “Chợ đồ cũ với tôi không phải để mua bán, nó là nét đẹp thu hút khách du lịch cho làng lụa Vạn Phúc. Chợ này còn là nơi các cụ cao tuổi ghé qua để đi dạo, để ngắm cho đã mắt, sờ mó mấy đồ xưa cũ cho thanh thản. Mà cái chợ này hay lắm, hôm nay mua nhưng mai không thích thì ra đổi lại thoải mái, đổi cái khác cũng được, giao lưu mà… Trước đây làng Vạn Phúc có nhiều thanh niên không có việc làm nên tụ tập chơi bời, từ khi có chợ đám thanh niên đấy chí thú làm ăn, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Còn cụ Đỗ Văn Minh, Hội người cao tuổi tổ dân phố Độc Lập, phường Vạn Phúc thì hồ hởi nói: “Tôi từng chứng kiến những cụ ông ngót 90 tuổi thỉnh thoảng ra “lượn” ở chợ đồ cũ. Tôi hỏi thì cụ bảo “tôi ra cho đã con mắt, ngắm thôi chứ tiền đâu mà mua”. Cụ rút chiếc ĐTDĐ trong túi ra và nói: “Nhờ có chợ đồ cũ mà tôi mua được cái ĐT này với giá 50.000 đồng đây, dùng còn tốt lắm. Những người nghèo cũng mua được khối đồ thiết yếu từ cái chợ này đấy”.
Một dân phòng phường Vạn Phúc tâm sự: “Anh em chúng tôi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, đề phòng trộm cắp, cháy nổ ở đây là do yêu cầu của phường chứ phụ cấp 2-3 triệu đồng một tháng chỉ đủ để trà thuốc, xăng xe. Nếu không có tình yêu với Vạn Phúc thì không thể làm được vì khối lượng công việc rất nhiều”.
Chia tay những người dân chất phác làng Vạn Phúc mà trong tôi có những cảm giác thật khó tả, vừa vui vừa phẫn nộ. Vui vì chính quyền và người dân làng lụa đã tạo ra được một sân chơi tao nhã, một điểm hội tụ cho những người còn hoài niệm về một Hà Nội xưa. Phẫn nộ vì ai đó đã vì những mục đích cá nhân tung tin chợ đồ cũ Vạn Phúc có đầu gấu bảo kê và rất nhiều những bịa đặt khác nữa…
M. Tuấn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại