Chỉnh trang đô thị phải cải thiện môi trường sống cho dân cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội được cải tạo trở nên văn minh, hiện đại hơn. Ảnh: N.M |
Phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc
Cụ thể, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang.
Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP được triển khai thực hiện theo dự án bao gồm: dự án tái thiết một khu vực đô thị cụ thể, trừ dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; dự án chỉnh trang công trình hoặc một nhóm công trình xây dựng tại một khu vực cụ thể; dự án bảo vệ, tu bổ công trình hoặc một nhóm công trình, khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan đô thị; dự án cải tạo, chỉnh trang hỗn hợp là dự án đầu tư xây dựng trong đó có thể bao gồm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ.
Các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị khi được toàn bộ số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất nằm trong ranh giới dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong trường hợp này phải được lập thành dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, do doanh nghiệp được các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thống nhất lựa chọn làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trình UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ
Trường hợp các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất để mở rộng quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ cải tạo, chỉnh trang đô thị và không tự lựa chọn chủ đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án.
Trường hợp cấp bách cần cải tạo, chỉnh trang đô thị mà không lựa chọn được nhà đầu tư thì UBND TP thu hồi đất, tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiếp tục phân chia và chi trả cho các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất bị thu hồi đất.
Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), đối với nhà chung cư cũ trong khu chung cư hoặc khu đô thị, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy định của pháp luật về nhà ở chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch đô thị và yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị đối với cả khu chung cư.
Đối với các công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu, UBND TP bố trí kinh phí theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách Nhà nước để hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình; hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định UBND TP quyết định thành lập, quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô.
Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô được sử dụng để hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực nội đô lịch sử; tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP ngoài nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại