Chính sách của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt khó
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChính sách của chính phủ giúp DN vượt khó phát triển kinh tế |
Giảm thuế VAT 2%
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất phương án giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua theo thể thức rút gọn quy trình. Tình hình kinh tế DN, trong quý I/2023 tăng trưởng kinh tế chỉ trên 3%, tình hình sản xuất kinh doanh của DN rất khó khăn, số DN phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên. Trong lúc này việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, tái sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp DN bán được nhiều hàng hơn. Đối với DN sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất. GS. TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Chính sách giảm thuế VAT vừa có tác dụng tới tổng cầu vừa tác dụng tới cả tổng thu. Đây là một chính sách hợp lý, cần duy trì trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, nếu Quốc hội thông qua giảm thuế VAT 2% (dự kiến thông qua kỳ họp vào tháng 6/2023), thu ngân sách 6 tháng cuối năm có thể giảm 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, nhưng mặt được lợi có thể sẽ là lớn hơn nhiều. Bởi nếu tính số tuyệt đối thì thuế VAT có thể giảm, nhưng giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiêu dùng tăng cao, kích thích mua sắm… từ đó kích thích nền kinh tế.
Một số chính sách được giảm thuế
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 được Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng. Việc Chính phủ cho phép giãn, hoãn các loại thuế là động thái được các DN đón nhận, có tác động tích cực tới nhiều DN, hộ kinh doanh trong trong nền kinh tế quốc dân.
Qua Nghị định giãn hoãn thuế này, các DN hoàn toàn có thể tính được dòng tiền, được hoãn giãn bao nhiêu thuế chưa phải nộp, từ đó, chủ động dùng nguồn lực đó vào sản xuất kinh doanh cũng như tái sản xuất.
Tránh giảm thuế kiểu phân biệt, làm khổ DN
Nhìn lại việc triển khai việc giãn hoãn thuế thời gian trước đây, như năm 2022, thì việc triển khai với các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện chính sách rõ ràng, có tác động khá mạnh tới tình hình DN, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó còn một số vướng mắc cần dược tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh: Nếu gia hạn chính sách như năm 2022, cho giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng và loại trừ một số mặt hàng, sẽ không khác gì "hành" DN. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án giảm toàn bộ 2% thuế VAT đối với toàn bộ mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%".
LS Trương Thanh Đức đề xuất: Giảm về 8% đối với các mặt hàng chịu thuế VAT 10% vẫn chưa đủ. "Theo quan điểm của tôi nên giảm đồng loạt VAT về 5% (hiện ngoài nhiều hàng hoá chịu thuế VAT 10%, vẫn có một số nhóm mặt hàng chịu thuế VAT 5% hoặc không chịu thuế). LS Đức cho rằng: Việc phân ra có mặt hàng đang chịu thuế VAT 5%, mặt hàng chịu thuế VAT 8% vẫn gây khó khăn cho DN khi làm thuế khi đã giảm khó khăn so với năm 2022, 2021.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế DN lớn, Tổng cục Thuế: Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho toàn bộ mặt hàng chịu thuế 10% là điều tán thành, song quy trình thủ tục cần nhanh gọn, cụ thể. Càng chi tiết, càng đơn giản và mở rộng điều kiện thuế càng có lợi cho DN và quản lý.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính cho rằng: Ngành thuế nên phát huy thế mạnh công nghệ, nhất là việc quản lý các hồ sơ, đề nghị gia hạn thuế, áp dụng các hình thức quản lý theo công nghệ 4.0, thúc đẩy kinh tế số, giúp các DN giảm chi phí, hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, dễ thực hiện.
Do đó, trong lần triển khai này, cần có các hướng dẫn cụ thể, trong đó, các cơ quan thực thi như ngành thuế cần hướng dẫn cụ thể các phương thức phân loại, tính thuế thanh toán miễn giảm thuế, để DN, hộ kinh doanh dễ áp dụng bảo đảm chính sách công bằng minh bạch…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại