Xuất khẩu xanh - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt sóng vươn xa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThu từ xuất khẩu giảm 3,95 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1 chỉ đạt xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, giảm trên 42%, tương ứng giảm 15,53 tỷ USD... Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tính đến hết ngày 31/1 đạt 24.852 tỷ đồng, đạt 5,8% so với dự toán, giảm 42,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, tương ứng giảm 3,95 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, trị giá xuất nhập khẩu của tháng 1 giảm 25,01%, tương ứng giảm 15,53 tỷ USD.
Dây chuyền công nghệ Aseptic của tập đoàn GEA lắp đặt tại nhà máy của Tân Hiệp Phát. Nguồn: THP |
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam. Bởi những khó khăn của kinh tế thế giới cuối năm 2022 chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,9% năm 2023. Sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2023 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể (dự báo năm 2023 chỉ tăng khoảng 1,7%) do lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; tác động của xung đội Nga - Ucraina khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu, suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Ở trong nước, sức mua mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistic tăng cao; doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất tăng cao.
Dây chuyền công nghệ Aseptic của tập đoàn GEA lắp đặt tại nhà máy của Tân Hiệp Phát. Nguồn: THP |
Trước thực trạng này, theo các chuyên gia, cánh cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chính là sản xuất xanh, xuất khẩu xanh. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần phát triển sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường”.
Doanh nghiệp “chuyển mình” sản xuất xanh
Có thể nói, sống xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự thay đổi của người dùng sang tiêu dùng xanh khiến doanh nghiệp sản xuất cũng phải “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới. Theo một báo cáo về xu hướng tiêu dùng năm 2019, phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm được đóng gói bằng vật liệu thân thiện môi trường, thậm chí nhiều người đồng ý trả nhiều hơn 10% cho sản phẩm xanh. Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Đón đầu làn sóng sản xuất xanh, năm 2007, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh đã đưa ra một quyết định táo bạo mang tính cách mạng tại doanh nghiệp này nói riêng và thị trường giải khát Việt Nam nói chung là nhập công nghệ vô trùng Aseptic và hệ thống chế biến trung tâm hiện đại hàng đầu Châu Âu để phát triển các thức uống có lợi cho sức khỏe.
Vận chuyển lưu kho sản phẩm tại Tân Hiệp Phát. |
Mặc dù thời điểm đó, đã có một vài doanh nghiệp giải khát thất bại khi đưa trà uống liền vào chai thủy tinh. Đứng trước sự cảnh báo rủi ro của rất nhiều người trong ngành nhưng lãnh đạo Tân Hiệp Phát thời điểm đó vẫn quyết tâm sản xuất các loại trà đóng chai uống liền. Để làm được điều này, Tân Hiệp Phát đã quyết định “chơi lớn” khi nhập về công nghệ vô trùng Aseptic đầu tiên tại Việt Nam có trị giá khoảng 30 triệu USD và quyết tâm tự mình xây dựng luôn nhà máy sản xuất chai nhựa PET cho sản phẩm.
Điểm đột phá của Aseptic so với các công nghệ khác là giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, thơm ngon và các chất vitamin, Khoáng chất có trong sản phẩm. Dung dịch sản phẩm không chỉ được siêu thanh trùng nhanh UHT mà tại khâu chiết rót, đóng nắp đặc tính vô trùng được nâng gấp 6 lần lên mức tối đa qua các yếu tố: chai vô trùng, nắp vô trùng, nước vô trùng, sản phẩm tiệt trùng và môi trường chiết vô trùng, tạo ra sản phẩm tinh khiết, giữ được chất dinh dưỡng mà không cần dùng chất bảo quản.
Với công nghệ vô trùng Aseptic hàng đầu Châu Âu, Tân Hiệp Phát đã tạo ra nhiều sản phẩm giải khát xanh, sạch được hàng chục triệu người tiêu dùng yêu chuộng và trở thành thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của Việt Nam như Trà Thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ, tăng lực như hôm nay.
Không chỉ Tân Hiệp Phát mà còn nhiều doanh nghiệp Việt đang hướng đến sản phẩm xanh như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, TH True Milk... và sản phẩm xanh của các doanh nghiệp này đã dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đi tắt đón đầu như Tân Hiệp Phát không phải là nhiều bởi hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình... Theo một khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh...
Tại diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, Tạ Hoàng Linh cũng cho rằng, việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày một chú trọng. Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng sự hiện diện tại các thị trường trên thế giới.
Như vậy có thể khẳng định, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, để không bị loại khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần phát triển sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt sóng vươn xa.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại