Chinh phục khán giả bằng nghệ thuật xiếc “đội lốt” xiếc thú
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác "diễn viên xiếc chân quê" tham gia vở xiếc "Chúa tể rừng xanh" với tiết mục đế kiếm trên lưng trâu |
Giải “cơn khát” cho khán giả
“Chúa tể rừng xanh - Lông vằn lông vện mắt xanh - Dáng đi uyển chuyển nhe nanh tìm mồi” là một trong những vần thơ về “Chúa tể hổ vằn” được lồng nhạc Rap rất thú vị. Tiết mục xiếc thú “Chúa tể rừng xanh” do các nghệ sĩ xiếc thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chào sân dịp hè 2022 là món quà ý nghĩa dành tặng cho “khán giả nhí” Thủ đô.
Ghi nhận trong dịp lễ Quốc tế thiếu nhi 1/6, sân khấu tròn với sức chứa 1.200 chỗ ngồi luôn chật kín khán giả, thậm chí vào những ngày cuối tuần, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải tăng suất chiếu (4 suất/ngày). Sau buổi sáng biểu diễn kết thúc, nghệ sĩ xiếc lại tất bật chuẩn bị cho lịch diễn mới. Dù lịch làm việc khá “căng” nhưng đối với các nghệ sĩ được khán giả yêu thương, ủng hộ là “món quà vô giá” giúp tiếp lửa cho tiết mục biểu diễn thăng hoa hơn.
Đã khá lâu rồi, sân khấu xiếc mới lại có không khí sôi động như vậy. Giữa thời điểm phim chiếu rạp thiếu nhi hầu hết là sản phẩm nhập khẩu thì ở sân khấu Thủ đô ghi nhận nỗ lực cống hiến, sáng tạo của các nghệ sĩ trong việc thu hút khán giả bằng các tác phẩm “made in Việt Nam”.
Chào đón mùa hè 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam giới thiệu khán giả tiết mục “Chúa tể rừng xanh”. Vở xiếc lấy cốt truyện từ cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, kịch bản gồm 3 phần: “Ngày hội tranh tài”, “Lên ngôi Chúa tể”, “Ngôi nhà chung” kể về câu chuyện diễn ra trong một khu rừng già có nhiều loài muông thú sống chung với nhau.
Sự phân chia lãnh thổ, thức ăn của các loài luôn bị tranh giành, không có sự công bằng, thú lớn bắt nạt các loài thú bé. Vì vậy, các loài thú đưa ra một quyết định hàng năm tổ chức ngày hội tranh tài, chọn ra con thú mạnh nhất để làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu rừng và công bằng cho muôn loài. Thông điệp vở xiếc muốn truyền tải về sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phải lấy rừng già làm ngôi nhà chung và biết bảo vệ rừng.
Các nghệ sĩ "đội lốt" xiếc thú với nhiều hoạt cảnh vui nhộn, nhiều sắc màu |
Vở xiếc không chỉ kể lại câu chuyện của các loài thú trong rừng già còn đan xen các tiết mục xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ, xiếc lợn, xiếc chó, xiếc ngựa, xiếc vẹt, pa-tin, ảo thuật, tung hứng, xe chỉ, lắc vòng, đế kiếm trên lưng trâu, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng, quay thảm…
Theo NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Chúa tể rừng xanh” bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào thứ 5 hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường.
Điểm đặc biệt của vở xiếc là việc đơn vị mạnh dạn đào tạo nghệ sĩ xiếc ngoài biểu diễn chuyên môn còn là nghệ sĩ đa năng biết diễn kịch, dẫn truyện, kết nối các tiết mục đơn lẻ so với tiết mục xiếc truyền thống bình thường để tạo sức hút khán giả.
Trước quy định công ước quốc tế về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc, các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu. Đáp ứng nhu cầu khán giả, các chương trình cần có sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn.
Ngay khi chào sân qua chương trình “Chúa tể rừng xanh” đã giải “cơn khát” của các khán giả nhí trong chương trình xiếc thú. Diễn xuất duyên dáng kết hợp kỹ thuật xiếc điêu luyện mang tới trải nghiệm mới mẻ cho khán giả. Tại vở xiếc, các nghệ sĩ hóa thân bộ “lốt thú” hoang dã như hổ vằn, sư tử đu dây, đu quay… để phối hợp với các loài thú nuôi tạo thành vở diễn mang tính đời sống.
Các nghệ sĩ giao lưu với thú nuôi |
Giữ “thương hiệu” trên sân khấu tròn
Khi được hỏi, việc chuyển đổi xiếc thú đòi hỏi các diễn viên phải có sự chuyển mình trước thời cuộc ra sao? NSND Tống Toàn Thắng cho hay: Trước đây, các nghệ sĩ huấn luyện động vật hoang dã với độ hung dữ, tạo sức lôi cuốn khán giả thì nay chuyển đổi sang huấn luyện vật nuôi, thú nuôi, thân thiện với môi trường, áp lực diễn xuất khác biệt, ngược lại, nghệ sĩ phải biết diễn giao lưu, gần gũi với thú nuôi, coi chúng là người bạn diễn sân khấu.
Thông qua hành động, cử chỉ, kỹ thuật của nghệ sĩ huấn luyện, các em nhỏ cảm nhận được tình yêu giữa con người với con vật. Từ những câu chuyện lồng ghép tạo ra bài học giá trị bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc.
Câu chuyện ngụ ngôn "Dê đen và dê trắng" được lồng ghép khéo léo trên sân khấu xiếc |
Mặc dù ở giai đoạn đầu tiên, khán giả có thể thấy “khoảng trống” từ tiết mục xiếc thú khi không còn xuất hiện những “diễn viên xiếc hoang dã” như gấu, voi, hổ, sư tử,… bằng sự chuyển mình của các nghệ sĩ trong vai trò “đội lốt” động vật hoang dã sẽ lấp đầy khoảng trống đó, tạo màu sắc mới mẻ trên sân khấu tròn.
NSND Tống Toàn Thắng cho biết thêm, sau chương trình phục vụ mùa hè 2022, dịp tháng 7, Liên đoàn Xiếc Việt Nam bắt tay chuẩn bị chương trình thường niên “Đi cùng năm tháng” với chủ đề “Vùng trời bình yên” - tôn vinh lực lượng phòng không, không quân. Kế hoạch biểu diễn trong hai ngày (24/7 và 25/7).
Dự tính, năm 2023 chủ đề “Nhịp điệu biên cương” tôn vinh lực lượng bộ đội biên phòng. Đây là chương trình thương hiệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hàng năm nhằm tri ân gia đình có công với cách mạng, sự hi sinh của các cựu chiến binh, trao tặng quà cho đối tượng gia đình chính sách.
Năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tham gia dự thi xiếc quốc tế tại Matxcova (Nga) vào tháng 10 tới. Với chủ đề “Công chúa xiếc” đặc biệt dành riêng cho các tiết mục do nữ nghệ sĩ trình diễn, tiết mục “Đu son” do nghệ sĩ Hồng Thúy và Phạm Hướng sẽ đại diện Việt Nam tranh tài.
Đặc sắc chương trình vui chơi dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 | |
“Chàng Thạch Sanh” định danh bản sắc xiếc Việt ra thế giới |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại