Chia sẻ xúc động của nam nghệ sĩ có gần 20 lần đóng vai người lính
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThiện Tùng trong vai diễn điện ảnh đầu tay - chiến sĩ Lâm Thành trong "Chớp mắt cùng số phận" |
“Không biết có phải là tâm linh không nhưng Thiện Tùng tự thấy mình khá có duyên với hình tượng anh bộ đội”, Thiện Tùng mở đầu câu chuyện như thế.
Anh kể, ngày 27/7/2004, bản thân đi cùng gia đình bạn gái (sau này là vợ anh) vào thắp hương cho bác ruột của cô ấy là Liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm (Hà Nội). Khi ấy, Thiện Tùng đang là sinh viên trường nghệ thuật.
“Lúc bước chân vào nghĩa trang, tự nhiên nước mắt Tùng chảy ra, mình khóc như trẻ con. Tùng rất xấu hổ vì ngại gia đình bạn gái thấy, Tùng phải đi khuất ra chỗ khác, chờ một lúc mới vào thắp hương cho bác của bạn. Thật sự xúc động khi quá nhiều Liệt sĩ nằm tại nơi đây, trên bia mộ các anh ghi năm sinh - năm mất chỉ đều là lứa tuổi 18-20”, Thiện Tùng nhớ lại.
Năm 2006, Thiện Tùng ra trường. Cũng trong năm này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cục Điện ảnh có sản xuất phim điện ảnh "Chớp mắt cùng số phận”. Đạo diễn Lê Ngọc Linh đã mời Thiện Tùng đóng vai nam chính Lâm Thành - một sinh viên khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa xung phong xếp bút nghiên lên đường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Lâm Thành là đại diện cho lứa sinh viên Hà Nội nhập ngũ chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972 và trong số đó, có rất nhiều chiến sĩ đã nằm lại chiến trường để đất nước có nền hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.
“Đọc kịch bản Tùng tìm thêm tư liệu thời kỳ đó và cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đây là cuốn sách mà Tùng đọc, cảm thấy rất xúc động. Anh Thạc là sinh viên khoa Văn của Đại học Tổng hợp và trong các dòng nhật ký của anh luôn nhắc đến cây "bạch đàn".
Trước khi phim bấm máy, Tùng đã vào Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội thắp hương và xin cho mình được sống chân thực với nhân vật Lâm Thành, một nhân vật như các anh thời đó. Tùng cũng mang tới 1 cành bạch đàn đặt lên mộ anh Thạc vì nghĩ chắc anh thích loài cây đó nên trong nhật ký của anh, nó được nhắc rất nhiều lần”, Thiện Tùng chia sẻ.
Năm 2007, bộ phim “Chớp mắt cùng số phận” chính thức được ra mắt khán giả. Phim rất thành công, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao nhờ câu chuyện xúc động và diễn xuất chân thật của dàn diễn viên, trong đó có nam chính Thiện Tùng.
Vai diễn đầu tiên của nam nghệ sĩ trên màn ảnh rộng được mọi người yêu mến. Hình ảnh anh bộ đội Lâm Thành đã tìm được sự đồng vọng cùng khán giả. Từ đó, hình tượng người lính rất có duyên với Thiện Tùng. Nếu tính cả điện ảnh, truyền hình và sân khấu, anh đã được hoá thân vào vai người lính các thời kỳ đến gần 20 nhân vật.
Tạo hình của Thiện Tùng trong phim "Cao hơn bầu trời" |
Thiện Tùng chia sẻ, đóng phim thời chiến áp lực nhất chính là liệu mình có thể hoá thân làm khán giả tin câu chuyện và nhân vật mình làm hay không?
“Bối cảnh và nhân vật đều chỉ là lời kể và tư liệu, sách báo nên những hình dung về nhân vật chủ yếu qua nghiên cứu mà có. Nhưng đòi hỏi của khán giả vô cùng khắt khe, nhất là những khán giả lớn tuổi, họ đã sống qua thời kỳ mà mình đóng. Nếu không đúng hoàn cảnh lịch sử thì mình đã thất bại. Có lẽ, đó là khó khăn và áp lực nhất đối với Thiện Tùng khi tham gia những vai người lính thời chiến”, Thiện Tùng cho biết.
Thiện Tùng trong phim "Trung úy" |
Thiện Tùng hiện là một trong những nghệ sĩ đảm nhận nhiều vai chiến sĩ bộ đội nhất màn ảnh Việt. Ngoài Lâm Thành trong “Chớp mắt cùng số phận”, Thiện Tùng còn đóng Trung úy Hà trong “Trung úy”, Nam trong “Nỗi đau giấu kín”, Biên trong “Cao xanh không lối”, Thung trong “Cây trầu không”, Xuân Bách trong “Cuộc vượt ngục thần kỳ”, Tân trong “Biên cương”,...
Tuy vậy, mỗi nhân vật, Thiện Tùng lại khắc họa nên những nét duyên riêng cho nhân vật, khi thì mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc, lúc lại lãng mạn, ngờ nghệch, vụng về đáng yêu. Mỗi lần được hóa thân vào vai người lính lại mang lại cho anh những cảm xúc dạt dào. Anh cảm thấy vinh dự và tự hào khi được hóa thân thành những chiến sĩ quả cảm, “sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Được đóng phim thời chiến, Thiện Tùng càng thấu hiểu sự hy sinh, đóng góp to lớn của những người chiến sĩ Cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thiện Tùng (giữa) trong phim "Biên cương" |
“Nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Tùng xin được gửi lời biết ơn sâu sắc tới những người Anh hùng của dân tộc đã hy sinh thân mình vì nền độc lập, tự do của đất nước ngày hôm nay. Người chiến đấu vì sự sống sẽ không bao giờ chết, các anh đã bất tử trong lòng người dân Việt Nam”, Thiện Tùng xúc động.
Tạo hình của Thiện Tùng trong vở kịch "Những người con Hà Nội" |
Thiện Tùng là diễn viên tài năng của Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh ghi dấu ấn ở cả mảng phim điện ảnh, truyền hình và sân khấu kịch. Với diễn xuất biến hóa, Thiện Tùng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả qua từng vai diễn. Anh từng giành nhiều huy chương Vàng, Bạc tại các Liên hoan sân khấu lớn.
Hiện tại, Thiện Tùng đang cùng các đồng nghiệp chăm chỉ luyện tập các vở diễn mới, vở diễn cũ từng tạo nên thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội để mang sân khấu kịch đến gần với khán giả, đặc biệt là sau hơn 2 năm dịch Covid-19, sân khấu gần như bị đóng băng.
Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có nhiều suất diễn tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như một sự tri ân đặc biệt đối với ngày lễ thiêng liêng của toàn dân tộc.
Diễn viên Thiện Tùng: Bước lên sân khấu là “lên đồng” | |
Nghệ sĩ Thiện Tùng: “Huy chương Vàng của tôi là công sức của một tập thể” | |
Diễn viên Thiện Tùng: Chắt chiu từng cơ hội cống hiến cho khán giả |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại