Thứ năm 10/10/2024 12:53

Chia sẻ trách nhiệm xã hội, hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với mong muốn tạo không gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các doanh nghiệp phối kết hợp cùng các tổ chức xã hội và Nhà nước trong chiến lược thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hỗ trợ đối tượng trẻ em và thanh niên trong bối cảnh đại dịch COVID 19,
Chia sẻ trách nhiệm xã hội, hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19
Các chuyên gia, khách mời tham dự toạ đàm tại Hội thảo “Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19 - Vì lợi ích tốt nhất của trẻ”.

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG), Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức hội thảo “Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19 - Vì lợi ích tốt nhất của trẻ”.

Kể từ khi xuất hiện vào đầu năm 2019, đại dịch COVID-19 đã tạo nên những ảnh hưởng và tác động tới toàn thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,... Đặc biệt, trẻ em vốn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nay lại các chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch như: bị hạn chế trong việc đến trường, các hoạt động vui chơi, giải trí, chịu ảnh hưởng từ những tổn thất về kinh tế, thậm chí chịu những tổn thương về tâm lý khi mất đi người thân.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao chuỗi các hội thảo về chủ đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng đây là một sáng kiến rất hữu ích, có ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đối mặt với nhiều thách thức.

“Là cơ quan chuyên trách về đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, sự tham gia của các bên liên quan cũng vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài cho các em”, bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết.

Về thông điệp của hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD cho biết: “Trong những ngày tháng này, dịch COVID-19 đã để lại những ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ em, chúng ta lại càng thấy vai trò của tất cả các bên liên quan trong hỗ trợ trẻ em trong đại dịch COVID-19, và những nhu cầu phát sinh của trẻ em trong đại dịch hầu hết đều là các nhu cầu khẩn cấp hiện tại, đồng thời cũng đòi hỏi nhu cầu hỗ trợ lâu dài. Đó là các nhu cầu về an sinh xã hội, về học tập, về vui chơi, về sức khoẻ thể chất và tinh thần,… và cả nhu cầu tổng thể tất cả các vấn đề trên đối với trẻ em mồ côi do đại dịch”.

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ rất kịp thời của Nhà nước, còn có sự chung tay hỗ trợ đến từ các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra như: Liệu sự hỗ trợ ồ ạt tại thời điểm hiện tại, tuy rất đáng quý nhưng có lâu dài, có đáp ứng được đúng và hết các nhu cầu của trẻ?; Liệu mọi sự trợ giúp, tuy là good-will – là với tinh thần rất tốt, rất mong muốn hướng thiện nhưng đã hiệu quả nhất chưa? Có hiệu quả không? Có gây hại gì không? Có vì lợi ích tốt nhất của trẻ?

“Tôi nghĩ rằng, trong cảm xúc, và các hành động, việc dừng lại 1 chút để tư duy, suy nghĩ làm sao để sự hỗ trợ, vừa đúng vừa đủ, vừa kịp thời và vừa có chiến lược dài lâu, vừa vì lợi ích tốt nhất của trẻ có lẽ chính là điêu mà tất cả chúng ta nên trăn trở. Hội thảo ngày hôm nay để chia sẻ nỗ lực, thách thức và các bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ trẻ em của tất cả các bên liên quan với một mong muốn duy nhất - vì lợi ích tốt nhất của trẻ”, bà Linh cho biết.

Tại hội thảo, bà Linh cũng chia sẻ công cụ Quyền trẻ em trong Nguyên tắc kinh doanh mà các Doanh nghiệp và các tổ chức có thể áp dụng trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là Nguyên tắc số 9 về hỗ trợ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.

Hội thảo được tiếp nối với toạ đàm “Chung tay vì trẻ em - Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và gia đình”.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động