Chế tài xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn rồi bỏ chạy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ TNGT thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Đông, tỉnh Bắc Giang xảy ra vào chiều ngày 12/12. Ảnh: CQCA cung cấp |
Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức “khủng”
Theo thông tin cơ quan chức năng cung cấp, khoảng 14h ngày 12/12, tại Km 17 + 200m trên đường tỉnh lộ 291, đoạn qua địa phận tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thời điểm này, xe ô tô mang biển kiểm soát 98A-380.68 (không rõ người điều khiển) đi với tốc độ cao rồi lấn làn đâm trực diện vào xe mô tô và xe đạp đang đi theo hướng từ tổ dân phố Đoàn Kết đi tổ dân phố Đồng Rì.
Hai phương tiện sau đó được xác định là xe mô tô Supercup, mang biển kiểm soát 34-728.FC do N.T.K.L, SN 2006 điều khiển đi ngược chiều chở theo cháu N.T.G.B, SN 2013, cùng trú tại tổ dân phố Đồng Rì, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang di chuyển theo hướng tổ dân phố Đồng Rì đi tổ dân phố Đoàn kết và xe đạp do bà P.T.M, SN 1962, trú tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử điều khiển đi sau, cùng chiều với xe mô tô.
Hậu quả, hai cháu L, B và bà M bị thương được người dân đưa đi cấp cứu, xe máy và xe đạp bị hư hỏng nặng, phần lưới tản nhiệt gắn biển kiểm soát 98A-380.68 của xe ô tô vỡ, rơi tại hiện trường. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe ô tô đã điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường.
Nhận được thông tin, lãnh đạo CA huyện Sơn Động đã phân công cán bộ phối hợp cùng cơ quan chức năng khẩn trương khám nghiệm hiện trường, đồng thời truy tìm tài xế và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn. Sau đó, lực lượng chức năng phát hiện chiếc ô tô mang biển kiểm soát 98A-380.68 tại khu vườn cây nhà anh P.V.Th, thuộc tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử cách hiện trường khoảng 500m.
Truy xét nhanh bước đầu, lực lượng CA xác định, đối tượng điều khiển ô tô trong vụ tai nạn là Hà Huy Điệp (SN 1988, trú tại tổ dân phố Hạ, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Hà Huy Điệp đã được đưa về trụ sở CA huyện Sơn Động để làm việc.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của Điệp là 0.872ml/l khí thở. Hiện, CA huyện Sơn Động tiếp tục điều tra xác minh làm rõ nội dung vụ tai nạn giao thông theo quy định.
Chế tài đối với người gây tai nạn
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi này đã vi phạm luật giao thông đường bộ. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu hậu quả của vụ TNGT làm nạn nhân tử vong hoặc thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 của Bộ luật này, mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, thì khung hình phạt tù là từ 3 năm đến 10 năm.
Luật sư Phạm Hồng Thái còn cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38, Luật Giao thông đường bộ 2008 về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của CQCA đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với CQCA nơi gần nhất. Như vậy, tài xế ô tô sau khi gây tai nạn đã điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường thì đã vi phạm trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai nạn.
Qua thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng thì người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.872ml/l khí thở, đây là nồng độ cồn vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của người tham gia giao thông, có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Bởi vậy, việc xác định yếu tố lỗi (không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát) và vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này là tương đối rõ, vấn đề còn lại là hậu quả có nghiêm trọng hay không. Nếu có nạn nhân bị thương tích từ 61% trở lên hoặc có hai nạn nhân bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thẻ của mội người từ 31% đến 60% hoặc ba nạn nhân bị thương với tổng tỷ lệ thương tích từ 61% đến 121% thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” để xử lý đối với người điều khiển phương tiện này.
Ngoài ra, tài xế ô tô gây tai nạn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và thiệt hại về tài sản do hành vi gây tai nạn giao thông gây ra. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại