Chào mừng thành phố Phúc Yên!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChính thức công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phúc Yên
Trước đó, ngày 07-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ công bố, diễn ra đúng thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phúc Yên đang ra sức thi đua, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên (1958-2018), chào mừng 113 năm ngày thành lập đô thị Phúc Yên (31-10-1905/31-10-2018).
Từ khi thành lập đến nay, tuy đô thị Phúc Yên đã nhiều lần chia tách, tái lập và chuyển cấp đơn vị hành chính nhưng với vị trí, tiềm năng và truyền thống của một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, Phúc Yên luôn được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Một phần thành phố Phúc Yên nhìn từ trên cao (ảnh Internet) |
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, là cửa ngõ phía Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, thành phố Phúc Yên nằm trên vùng bán sơn địa. Do vậy địa hình của thành phố khá đa dạng gồm cả miền núi, đồng bằng, trung du, có hệ thống sông hồ phong phú, đặc biệt là hồ Đại Lải với diện tích 525 héc ta.
Phúc Yên có diện tích tự nhiên trên 120 km2, dân số hơn 155 nghìn người, có vị trí thuận lợi, là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Bắc Bộ - bằng hệ thống giao thông huyết mạch như: Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2A, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai,... Thành phố Phúc Yên chỉ cách Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 8 km. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Thực tế trong những năm qua, Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, có những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Toyota, Honda,... Nhiều khu đô thị, dự án nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư và hoạt động hiệu quả: Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị Xuân Hòa, Khu đô thị Hùng Vương Tiền Châu và một số đô thị khác,... Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải, Sân golf Đại Lải,.v...v.
Nhiều năm qua, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách trong 3 năm gần đây đều đạt và vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng; thu nhập trung bình đầu người hàng năm đạt trên 75,2 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trên địa bàn thành phố tính đến nay giảm chỉ còn 392 hộ, chiếm tỷ lệ 1,63%.
Nhiều năm qua, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao... |
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Trên địa bàn thành phố, hệ thống cơ sở y tế được xây dựng đồng bộ, như: bệnh viện K74 Trung ương, bệnh viện ngành Giao thông vận tải, Bệnh viện đa khoa khu vực; đặc biệt 100% cơ sở y tế của thành phố đã đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Về giáo dục, thành phố Phúc Yên hiện có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng; 100% số trường ở các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của thành phố đã đạt chuẩn Quốc gia.
Công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị của thành phố được tinh giản, sắp xếp hợp lý, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị được chú trọng, diện mạo đô thị của thành phố có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Xây dựng Phúc Yên văn minh giàu đẹp!
Trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vừa là động lực, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới.
Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Phúc Yên sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu. Cụ thể, về kinh tế: Phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt từ 7,0 - 8,5%; giai đoạn 2021- 2030 đạt từ 9,0 - 10,5%; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Trước hết, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, làm tốt công tác quy hoạch của thành phố; Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng Phúc Yên, ngày càng phát triển, và giàu đẹp.
Về an sinh xã hội: Xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, ổn định; tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, chung tay xây dựng thành phố Phúc Yên trở thành một đô thị ngày càng hiện đại, văn minh. |
Về quốc phòng, an ninh: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân phù hợp với điều kiện và tình hình mới; Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; thực hiện hiệu quả hoạt động tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó tập trung đấu tranh với hoạt động diễn biến hòa bình, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma túy... Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố Phúc Yên cơ bản đạt tiêu chí của Đô thị loại 2.
Thành lập thành phố Phúc Yên là sự kiện lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên, là niềm tự hào, vinh dự của mỗi người dân thành phố. Trong không khí phấn khởi, tự hào, Đảng bộ và chính quyền thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, chung tay xây dựng thành phố Phúc Yên trở thành một đô thị ngày càng hiện đại, văn minh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại