Chàng trai thủ khoa khiếm thị với 9,5 điểm Lịch sử THPT quốc gia và giấc mơ trở thành nhà tâm lý học
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHôm nay (22-9), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ” do Hệ thống giáo dục Học mãi tổ chức. Trong đó có phần vinh danh và trao học bổng cho 20 tân sinh viên xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Một trong số các tân sinh viên đáng chú ý là Nguyễn Văn Chung, thủ khoa đầu vào ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.
Nguyễn Văn Chung (thứ 2 từ trái sang), thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục được trao học bổng từ Hệ thống giáo dục Học mãi. Ảnh: Minh Dân. |
Sinh ra ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) với dáng người nhỏ bé, Nguyễn Văn Chung đã mắc căn bệnh khiếm thị bẩm sinh, mắt của em bị viễn rất nặng nên phải đến năm nay em mới có thể hiện thực hóa giấc mơ đại học của mình. Vượt qua nhiều rào cản cũng như áp lực từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, không có gì khá giả nhưng Chung đã duy trì sự nỗ lực của mình trong nhiều năm qua.
Vì sinh ra đã không được may mắn hơn mọi người nên Chung phải cố gắng hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Một ngày của Chung bắt đầu bằng việc dậy học bài, đọc lại bài từ 4g sáng, đi học trên trường, phụ giúp bố mẹ khi có thời gian rảnh. Buổi tối, Chung ngồi đọc lại bài trên lớp đã học, làm bài tập từ 7 - 11g đêm mới đi ngủ.
“Vì không được may mắn hơn mọi người nên em càng phải cố gắng hơn, ban đầu em buồn ngủ lắm nhưng dần sau một tháng cũng quen với cách sinh hoạt đó. Cứ như vậy, em duy trì thói quen học tập tới hết những năm cấp 3 và đến khi thi đại học, là tân sinh viên em vẫn tiếp tục giữ thói quen như vậy", Chung tâm sự.
Ngoài thời gian lên lớp, cậu sinh viên 9X còn làm thêm tại cơ sở Massage dành cho người khiếm thị để phụ giúp bố mẹ trong chi phí học tập, sinh hoạt ở Hà Nội. Bản thân Chung khi thi vào khoa Tâm lý học giáo dục em cũng luôn mơ ước sau này trở thành một nhà tâm lý, giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh không may mắn như mình.
Chung chia sẻ, ở Việt Nam, tâm lý học là một ngành mới và cơ hội việc làm không có nhiều nhưng em luôn mơ ước trở thành một nhà tâm lý để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, em cũng muốn nghiên cứu sâu hơn ngành này để trở thành một chuyên gia chuyên sâu về tâm lý học.
Dù bị khiếm thị nhưng Chung lại có đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ảnh: Minh Dân. |
Bên cạnh giấc mơ trở thành một nhà tâm lý học, chàng sinh viên Nguyễn Văn Chung còn có niềm đam mê đặc biệt với môn học lịch sử.
“Em thường xuyên lên các diễn đàn, mạng xã hội và kênh video để nghe, tham khảo, tìm tòi về lịch sử. Khi về nhà thì em tự tìm hiểu, đọc lại, viết lại ra giấy, ra vở để nhớ được dễ hơn, sâu hơn. Nó là môn học mà em đặc biệt yêu thích, ở trên lớp em lắng nghe thầy cô giảng bài. Vì không thể nhìn rõ bảng nên em càng phải lắng nghe nhiều hơn. Chỗ nào không hiểu em nhờ bạn bè, thầy cô giảng lại”, Chung cho biết thêm.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mà Chung đạt được tới 9,5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua. Trở thành thủ khoa của Học viện Quản lý giáo dục vừa là vinh dự nhưng đó cũng là nỗi lo về kinh tế trang trải cho việc học tập.
“Khi nào rảnh rỗi em thường nghe nhạc. Em còn thích nghe tường thuật các trận đấu bóng đá qua làn sóng phát thanh, thích được nghe Quang Hải và các đồng đội của tuyển Việt Nam thi đấu. Tâm lý là ngành không hot lắm nhưng với quyết tâm của mình, trong tương lai tới em nghĩ nó sẽ là một ngành nghề cần thiết cho xã hội. Em sẽ nỗ lực hết mình để thành công trong tương lai”, thủ khoa Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại