Thứ năm 21/11/2024 20:15

Câu chuyện quanh ngôi mộ cá Voi gần hai trăm năm tuổi huyền bí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Xưa nay, loài cá Voi (cá Ngài) vốn được những ngư dân xem là vị cứu tính của họ. Trong những chuyến ra khơi gặp nạn, cá Voi là người bạn, là thánh nhân giúp họ thoát khỏi miệng tử thần.


Tại vùng biển xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vốn tồn tại một ngôi mộ gần hai trăm năm nay. Xung quanh ngôi mộ cá Voi và ngôi đền bên cạnh có nhiều câu chuyện ly kỳ mà chúng tôi đã đến và ghi chép lại.


Cụ Nguyễn Đình Kha, người nắm rõ nhiều câu chuyện quanh ngôi mộ cá Ngài.


Về ngôi mộ "Cá thần"

Ngôi mộ cá Ngài nằm ngay bên bờ biển, ẩn mình trong một xóm nghèo của làng biển Đại Bắc, thuộc xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngôi mộ to bằng cả gian nhà, xung quanh được đắp bằng vô số tảng đá lớn, cây cối quanh mộ mọc um tùm. Bên cạnh ngôi mộ còn có một ngôi đền vốn để thờ cá Ngài. Ngôi đền sau nhiều biến động của lịch sử, giờ chỉ còn một gian. Khi hỏi về nguồn gốc của ngôi mộ cá hầu như người dân ở đây đều rất mơ hồ. Bởi một điều, ngôi mộ đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, những người chứng kiến từ khi có ngôi mộ đều đã qua đời. Những câu chuyện về cá Ngài chết như thế nào thì vẫn được người dân vùng biển truyền miệng nhau.

Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi cũng tìm ra được người biết rõ nhất về ngôi mộ cá năm xưa. Cụ Kha năm nay đã 88 tuổi, trú tại thôn Đại Bắc, người biết khá rõ về gốc tích, lai lịch của ngôi mộ này. Cụ Kha vốn là con của ông Nguyễn Đức Ngò, người trưởng làng năm xưa và cũng là người đứng đầu tham gia chôn cất cá Ngài năm đó.

Cụ Kha cho biết, khi lên khoảng 8 - 9 tuổi, ông được người cha kể về những câu chuyện xung quanh loài cá to lớn này dạt vào bờ biển quê mình. Được một vài năm thì người cha của ông mất. Cho đến bây giờ ông là người rõ nhất những câu chuyện xung quanh ngôi mộ cá. Tuy nhiên, có một điều cụ không được người cha kể cho là cá Ngài được chôn cất vào năm nào nữa chỉ nhớ, năm đó vào khoảng cuối thế kỷ 19. Và ông Ngò là trưởng làng biển ngày ấy là người chủ tế đứng ra để lo chôn cất Ngài. Ông Ngò cũng phải thay mặt làng chịu tang một năm.

Theo những gì ông Ngò kể lại cho cụ Kha biết, không biết cá Ngài nặng cụ thể bao nhiêu nhưng có thể lên đến hàng trăm tấn. Khi cá Ngài dạt vào bờ, nhiều người dân đã kéo cá Ngài đến gần bờ để chôn nhưng không thể kéo nổi vì cá Ngài quá to lớn. Hàng trăm người dân đã phải đào một con lạch thật sâu dẫn nước vào và cho cá Ngài nằm dưới con lạch để đưa vào. Thế nhưng vẫn không thể đưa gần đến bờ được. Không còn cách nào khác, phương án cuối cùng là rạch thịt cá Ngài để lấy xương đem đi chôn cất.

Theo như ông Ngò kể lại cho ông Kha biết thì ước tính, chiều cao lên đến 4,8m và đứng bên này không thấy mái sườn bên kia. Còn chiều dài thì lên đến hàng chục mét. Riêng cái đuôi của cá Ngài đã có cả chục người nâng mới nổi. Để xẻ được thịt cá Ngài, tất cả ngư dân quanh vùng đều đến để xem và phụ giúp xẻ thịt lấy xương của cá Ngài để chôn. Lúc đó, người dân đã huy động được 60 tấm cót (mỗi tấm dài 2m, rộng 1m) trải ra để xẻ thịt. Họ đã chống miệng cá ra và chui vào để múc dầu và nội tạng trong bụng cá. Cụ Kha cũng được cha kể lại rằng, xương của cá Ngài đem chôn ven bờ biển, còn thịt cá được đem về để nấu dầu. Tuy nhiên, sau khi nấu được hàng chục chum dầu thì tất cả chum đều bị vỡ hết không ai lấy được giọt dầu nào cả!?. Một câu chuyện trùng lặp nữa khiến người dân phải kính nể cá Ngài là trong quá trình xẻ thịt, một khớp xương sống lưng của cá Ngài đã bị mất tích. Một tuần sau khi chôn cá Ngài. Một con lạch nước (vùng nước sâu) tự nhiên nổi đầy con Sò. Nhiều người dân đã xuống để mò Sò về ăn và phát hiện thấy khớp xương còn lại của cá Ngài và đem chôn cùng với bộ xương trước đó.

Riêng khớp xương sống đã to bằng cối xay và dài thì không tưởng tượng nổi. Vì sống đã gần trăm tuổi nhưng chưa thấy con cá Ngài nào to như thế. Sau nhiều ngày, khi đi trên cát chỗ xẻ thịt cá Ngài, người dân vẫn thấy có một màu cát vàng hơn hẳn so với màu cát biển là màu trắng vẫn thường thấy. Khi đi trên đó thì vẫn có một cảm giác trơn của nước mỡ chảy ra. Cụ Kha nói như chứng minh, nếu bây giờ ra đào ngôi mộ lên có thể vẫn còn xương ở đấy.


Ngôi đền thờ cá Voi tại làng biển Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.


Cá Ngài được phong thần

Cá Ngài sau khi được chôn cất, một ngôi đền cũng được người dân dựng lên bên cạnh đó. Sau này, qua nhiều đời vua Nguyễn, cá Ngài được các nhà vua sắc phong là thần linh có công với ngư dân. Cụ Kha được người cha kể lại rằng, khi vừa chôn cất cá Ngài, người dân đã làm một cái miếu đơn giản bằng các cột gỗ và mái làm bằng rơm. Người dân vẫn đều đặn hương khói và vào ngày rằm tháng 3 hàng năm thì làm lễ to lắm và cả xã cùng chung tay để làm lễ. Ngoài làm cỗ chung của làng, nhiều nhà còn làm cỗ cúng riêng cá Ngài để cầu cho gia đình làm ăn tấn tới, ra biển thuận buồm xuôi mái. Sau khi Ngài yên nghỉ tại làng Đại Bắc được 2 - 3 năm, người dân trong làng thấy làm ăn ngày càng phát đạt, công việc yên ổn, ra khơi thuận buồm xuôi gió. Người dân đã đề nghị với làng lập đền thờ cho cá Ngài. Lúc đầu, đền thờ chỉ có 1 tòa. Sau đó khoảng 4 - 5 năm, người dân có của ăn của để nên đã quyên góp tiền của để tu bổ xây dựng ngôi đền uy nghi hơn. Lúc đó, người dân làm ngôi đền thành 3 tòa. Tòa thứ nhất có một gian để nhân dân ra biển gặp mưa gió thì vào đó để trú mưa. Tòa thứ hai có 3 gian dùng để thờ cá Ngài. Tòa thứ ba có 4 gian dùng để thờ các thần ở Long cung.

Theo cụ Kha thì ngôi đền là một trong những đền lớn nhất ở Nghệ An thời đó. Và trong đền từng được các thời vua ban tặng sắc phong. Cụ Kha còn nhớ một sắc phong, nhưng không rõ là của vua nào đã ban: "Đông hải thái thú ngọc lân đại đức ngư ông phù quốc cứu dân nẫm trước linh ứng, trước phong vi đoan tức dực bảo tôn thượng thượng đẳng tối linh thần".

Như vậy, cá Ngài đã được phong làm một ông thần mà sắc phong ấy là hết bậc. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan. Đền bị đập phá và các sắc phong đều bị đem ra đốt hết. Sau này, người ta gây dựng lại nhưng chỉ còn một gian, không còn được vẻ uy nghi như trước.

Nét văn hóa tâm linh của ngư dân

Hiện tục thờ cá Ngài và tín ngưỡng của ngư dân về loài cá linh thiêng này đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Vào các ngày rằm tháng 3 hằng năm, ngư dân ở đây làm lễ rất to để cúng cá Ngài. Ngư dân coi cá Ngài như là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, vì cá Ngài đã giúp ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang. Trước khi ra khơi, ngư dân thường có thói quen đến ngôi đền này thắp hương, cầu khấn mong cá Ngài phù hộ cho may mắn. Còn những người vợ của ngư dân mỗi chiều cũng tới đây hóng mát và thắp nhang, để cầu cá Ngài phù hộ cho chồng con họ được bình an.

Ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho hay: Tục thờ cá Ngài đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của các ngư dân. Sau mỗi chuyến ra biển tôm cá đầy khoang, họ lại ra cúng cá Ngài. Ngôi đền thờ cá Ngài qua nhiều biến động của lịch sử đã thay đổi đi nhiều. Hiện ngôi đền chỉ còn một gian. Chúng tôi cũng muốn tu bổ ngôi đền cho khang trang để đón khách du lịch nhưng những tư liệu về cá Ngài và ngôi đền hầu như không còn. Có chăng chỉ lại những cao niên trong làng được những người đi trước chứng kiến kể lại.

Trong lịch sử triều Nguyễn cũng có chép lại: "Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cá Ngài cứu thoát. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là "Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần".
Theo một số ý kiến của các nhà khoa học, cá Voi hay cứu tàu thuyền lúc biển động là hành động bản năng. Bản năng ở chỗ khi biển động, cá Voi cũng như các loài sinh vật biển đều muốn tìm kiếm một chỗ ẩn nấp, hay 1 điểm tựa trước những trận cuồng phong của biển. Những câu chuyện "người đi biển được cá Voi cứu" hay gặp "cá Voi nâng tàu thuyền khi gặp nạn" không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng theo phong tục tập quán, cũng có thể hiểu đó là tâm lý chung của người đi biển trước sự sống và cái chết giữa biển cả mênh mông, việc cá Voi tựa lưng thuyền, hoặc dìu thuyền vào gần bờ của ngư dân Việt đã trở thành "tâm linh" và còn là một điều diệu kỳ của cuộc sống...





















Anh Quân

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động