Cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp sẽ giúp DN giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. |
Trọng điểm để phát triển kinh tế
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã và đang đẩy rất nhiều DN, rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền, khó tiếp tục trụ vững nếu dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn. Những giải pháp hỗ trợ vừa qua tính cấp bách không cao, chưa giải quyết được khó khăn trước mắt của hầu hết DN là cạn kiệt nguồn vốn. Trên thực tế, Việt Nam đã có tiền lệ vào giai đoạn năm 2008-2009 khi cấp bù lãi suất cho DN, với một số ngành nghề, lĩnh vực được chỉ định, thông qua ngân hàng. Trong đó, phần chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất tối đa được ấn định, sẽ do ngân sách Nhà nước đứng ra chịu.
Với giải pháp cấp bù lãi suất này sẽ có một số ưu điểm, như thúc đẩy các ngân hàng cho vay vào các lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên, được coi là trọng điểm để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, giúp dòng tiền đi đúng địa chỉ, tới các DN được vay nợ với lãi suất thấp trong phạm vi khống chế, thường thấp hơn 2-4% so với thị trường, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Những ngành nghề này không chỉ mang tính nền tảng, trụ cột cho nền kinh tế, mà còn góp phần hỗ trợ cho các ngành nghề khác đi lên, với điều kiện có tính lan tỏa.
Theo đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay, DN đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí cho DN, điều đó sẽ khuyến khích DN mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, để phát huy hết những ý nghĩa của 1 chính sách tín dụng thì các DN mong muốn ngân hàng cần tính toán làm sao để có thể giúp được nhiều DN tiếp cận tín dụng hơn trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của DN lên cao hơn tài sản thế chấp. Tháo gỡ được điều này thì các DN mới có thể tiếp cận tín dụng tốt hơn.
Biện pháp để nâng cao hiệu quả của chính sách
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, bên cạnh những ưu điểm thì bất lợi của cấp bù lãi suất cũng tương đối rõ ràng như: Tạo ra sự mất công bằng giữa các DN trong nền kinh tế, gây ra sự bất bình đẳng; hoạt động này cũng có thể xẩy ra việc ngân hàng cho các DN sân sau vay không đúng đối tượng; khi dòng tiền lớn được bơm vào thị trường có thể đẩy lạm phát tăng cao. Do vậy, Chính phủ vẫn nên xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ DN, nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai.
Để nâng cao hiệu quả cấp bù lãi suất, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra các biện pháp điều hành chính sách, đó là: Đầu tiên phải phân loại các ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên, tránh tình trạng mất cân đối, khiến dòng tiền đi không đúng hướng; Bên cạnh đó, với cơ quan quản lý chung của Nhà nước, thì phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp. Hơn nữa, phải kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục các ngân hàng cho vay, như phải hình thành một cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm với những người thực hiện; cuối cùng, điều quan trọng nhất đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay trên các phương tiện thông tin, để các bên đều có thể truy cập thông tin, dữ liệu, phản ánh các quy định giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có, cơ quan quản lý phải giới hạn các chốt, đó là: Giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, không đẩy lên quá cao; kiềm chế tốc độ lạm phát; duy trì mức tăng hợp lý của tỷ giá hối đoái; phải chấp nhận nợ xấu nhưng ở mức độ nào, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng?. Một số chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. Ví dụ, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất có lãi suất khoảng 2 - 3%/năm để tạo hiệu ứng giảm lãi suất cho các DN. Phía Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng Trung ương.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, theo quy định, ngân hàng được phép cho DN tiếp cận nguồn vốn với tài sản đảm bảo dưới hình thức tín chấp, nhưng hiện nay, ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay, tỷ lệ DN được vay tín chấp còn khiêm tốn, nhất là đối với các khoản vay mới. Giảm lãi suất chỉ dành cho đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn để vay. Vì vậy, các DN mong muốn ngân hàng nới rộng hơn với các đối tượng vay để DN tiếp cận được nhiều nguồn vốn từ phía các ngân hàng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại