Cảnh báo trẻ sốc phản vệ sau khi uống thuốc tự mua
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐêm 11-5, các bác sỹ BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi trong tình trạng phù nề toàn bộ hai mắt, vùng môi, khàn tiếng, đau bụng quanh rốn, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt… sau khi uống thuốc điều trị ho, sốt do nhân viên bán thuốc gần nhà “kê đơn”.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề.
Khoảng 20 phút sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Gia đình cháu bé cho biết, khoảng 20g tối cùng ngày, cháu có được gia đình cho uống Cefadroxil 500 mg, Alphachoay, Medrol 4 mg, Hapacol 250 mg để điều trị ho, sốt. Tất cả số thuốc trên gia đình mua tại quầy thuốc gần nhà. Đến khoảng 22g cháu bé bắt đầu xuất hiện khàn tiếng, khó thở, phù nề vùng môi và mí mắt hai bên. Ngay lập tức gia đình đưa bé đến BV Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Trước đó ngày 29-4, một trường hợp khác là bé gái 10 tuổi ở Thọ Sơn, Việt Trì, Phú Thọ cũng được đưa vào BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng khó thở nhiều, nổi ban sần đỏ toàn thân sau khi uống Augmentin.
Sau khi thăm khám kết hợp khai thác bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị phản vệ độ 2 và được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ bằng Adrenalin 1mg/ml tiêm bắp kết hợp truyền dịch chống dị ứng. Sau xử trí, hiện tại tình trạng bệnh nhi hoàn toàn ổn định.
Khi trẻ bị ốm cần đi khám để được bác sỹ tư vấn, kê đơn sử dụng đúng thuốc (ảnh minh họa) |
Gia đình bé gái cho biết, khoảng 2 ngày trước cháu xuất hiện ho húng hắng, không sốt, không khó thở. Sáng ngày 29-4, gia đình đã cho trẻ uống kháng sinh Augmentin 500mg. Sau khi uống thuốc khoảng 10 phút, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng nổi ban toàn thân và bắt đầu khó thở nên được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.
ThS-BS. Nguyễn Đức Long, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Phản ứng phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và diễn biến rất nhanh. Có những tác nhân dù đã tiếp xúc rất nhiều lần, những lần trước đó hoàn toàn bình thường vẫn có thể gây ra phản ứng phản vệ ở lần tiếp xúc sau, đặc biệt là các loại thuốc. Vì vậy, sau khi các gia đình cho trẻ dùng thuốc thấy xuất hiện các triệu chứng: nổi ban da ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực cần đến khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ gây nên tình trạng kháng thuốc mà còn tiềm ẩn nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ nguy hiểm đến sức khỏe. Vì vậy, bác sỹ khuyến cáo: khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng thuốc, đúng bệnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị, tránh lạm dụng thuốc và tác dụng phụ không mong muốn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại