Cảnh báo nguy cơ ngộ độc do chế biến thịt cóc không đúng cách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThịt cóc là sản phẩm dễ gây dị ứng, ngộ độc nếu không chế biến đúng cách. Ảnh: Mộc Miên |
Mới đây, BV Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai tiếp nhận và điều trị kịp thời cho 5 bệnh nhân bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng do sau khi ăn thịt cóc.
Các bệnh nhân là người cùng gia đình, trú tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng. Cả 5 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm chất độc từ thịt cóc. Sau khi điều trị tích cực, tình hình 5 bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.
Theo các chuyên gia y tế, bản chất của thịt cóc không chứa độc tố, độc tố nằm ở trứng, da, gan, chất nhầy của cóc. Lượng độc tố có độc lực mạnh, chỉ cần chế biến không đúng cách, một lượng nhỏ gây nhiễm thịt cóc có thể gây ngộ độc. Trong khi lượng độc tố khó phân hủy nhiệt độ cao, quan sát bằng mắt thường khó phán đoán việc thịt cóc có bị nhiễm độc tố hay không.
Biểu hiện của người bị ngộ độc là sau ăn khoảng 15 - 30 phút hoặc 1 - 2 giờ, tùy lượng độc tố, cơ thể cảm thấy choáng váng, chóng mặt, tê bì tay chân, nôn ói, tiêu chảy, trường hợp nặng dẫn đến suy tim, suy gan, thận…
Khi người bệnh có dấu hiệu ngộ độc cần tìm cách sơ cứu người bị ngộ độc nôn ói để loại bỏ tối đa độc tố trong dạ dày. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời, không được sử dụng các biện pháp dân gian để cấp cứu và điều trị.
Thịt cóc theo quan niệm dân gian là thực phẩm bồi bổ sức khỏe, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, thường dùng cho trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, thịt cóc là sản phẩm dễ gây dị ứng nếu không chế biến đúng cách. Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin, có ở một số bộ phận cơ thể như nhựa cóc, trong gan và buồng trứng.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên ăn và chế biến thịt cóc, sản phẩm từ thịt cóc để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Việc bổ sung thực phẩm cần đa dạng khẩu phần ăn hằng ngày, lựa chọn các loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn với sức khỏe hơn là việc “thần thánh hóa” sản phẩm thịt cóc.
Trước đó, tháng 6/2023, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc.
Bệnh nhân là mẹ và con gái trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Bệnh nhân 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực, loạn nhịp tim.
Được biết, 2 mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Trong khi chế biến đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thịt, nhưng thấy cóc đang có trứng, 2 mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.
Ngày 11/10 vừa qua, Trung tâm y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp trẻ em ngộ độc do ăn thịt cóc. Các cháu nhỏ cùng trú tại làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai đã tự làm thịt cóc ăn sau đó có biểu hiện nôn ói, đau đầu. Các bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Trung tâm y tế huyện Chư Sê và sớm bình phục.
Đầu tháng 4/2023, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc. Các bệnh nhi cùng sinh sống tại huyện Chư Pưh, nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều lần, khó thở, bụng mềm, tính mạng nguy kịch.
Trong đó, có 1 cháu nhỏ huyết áp không đo được, mạch không bắt được, đồng tử giãn tối đa, da tím tái toàn thân. Dù được các y bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhi đã tử vong.
Qua các vụ việc ngộ độc thịt cóc xảy ra thời gian gần đây, các cơ sở y tế cần triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền tại chỗ cho người dân về việc không làm, chế biến thịt cóc làm thức ăn. Tuyệt đối không nên ăn trứng, da, nội tạng của cóc để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
Cục An toàn thực phẩm vào cuộc xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Tiền Giang | |
Ngộ độc thực phẩm ở Trường Tiểu học Thành Công B: Số lượng học sinh bị ảnh hưởng chênh khá nhiều? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại