Cần sớm trình Chính phủ ban hành chương trình Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCovid-19 đã khiến mọi hoạt động nghệ thuật bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa biết thời điểm được hoạt động trở lại
Diễn đàn do Bộ VH, TT&DL tổ chức, kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước thông qua kênh Youtube, nhằm làm rõ những tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành VH, TT&DL, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể thích ứng và phát triển ngành trong tình hình mới.
Đánh giá thời gian vừa qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc triển khai các hoạt động của toàn ngành VH, TT&DL trong 9 tháng của năm 2021. Hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích phải tạm dừng. Các hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu hợp tác văn hóa, bảo tàng, triển lãm trong nước gần như “đóng băng”. Cùng với đó, ngành Điện ảnh trong giai đoạn Covid-19 bị thiệt hại nặng nề. Tổng doanh thu ngành điện ảnh 2021 giảm 70-80% so với năm 2019, trong đó doanh số ước đạt 1.156 tỷ đồng. Thị trường nghệ thuật trong tình trạng ảm đạm. Đội ngũ nghệ sỹ gần như không thể hoạt động nghệ thuật biểu diễn, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu cần sớm trình Chính phủ ban hành chương trình Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới... Ảnh: Minh Khánh |
Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã bị gián đoạn, kế hoạch liên tục bị thay đổi. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi tăng trưởng mỗi năm, trong đó 8 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa giảm 5,5%; tổng thu từ khách du lịch giảm 26,5%... so với cùng kỳ năm 2020. Covid-19 đã khiến mọi hoạt động nghệ thuật như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa- nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa biết thời điểm được hoạt động bình thường trở lại; nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao. Cùng đó một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương… những khó khăn trên đã tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, khả năng duy trì chuyên môn, nghiệp vụ và tình yêu nghề, nhất là đối với lực lượng nghệ sĩ đang tham gia giữ gìn, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc…
Theo lãnh đạo ngành văn hóa, trong thời gian tới, do các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 cũng sẽ không thể tổ chức được các chương trình biểu diễn, các trận thi đấu thể thao, hoạt động lễ hội… thu hút sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn người như trước. Vì vậy, diễn đàn là một dịp để nhìn nhận bối cảnh mới từ đó các đơn vị chức năng đã cùng chia sẻ những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ đồng thời đề xuất một số giải pháp quyết liệt để có thể thích nghi, phục hồi.
Bởi VH, TT&DL là hoạt động mang tính đặc thù bề nổi với những sự kiện, chương trình thu hút hàng trăm, hàng vạn người đều không có cơ hội để tổ chức vì thế việc chuyển hướng tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Theo Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng, giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành cả nước, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trở nên “bị giới hạn”, toàn ngành VH, TT&DL đã không ngừng đổi mới cách thức hoạt động để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, mang lại liều vắc xin tinh thần cho người dân. Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức trực tuyến, trưng bày hiện vật theo hình thức online cũng được nhiều bảo tàng, khu di tích áp dụng… rất đáng ghi nhận.
Lãnh đạo Bộ cũng chỉ ra rằng song song với yêu cầu chính trị đó, các đơn vị, nhà hát, cần phải chủ động, tích cực hơn để chuyển đổi, dần thích nghi để tạo được nguồn thu để duy trì và nuôi dưỡng bộ máy cán bộ, nghệ sĩ nhà hát. Phải tích cực hơn trong chuyển đổi số; tìm hiểu và phát huy các hình thức hoạt động phù hợp với tình hình mới như mô hình nhà hát truyền hình, nhà hát online (đối với nghệ thuật biểu diễn); mô hình trưng bày trực tuyến, tour online (với bảo tàng, khu di tích); và ngành du lịch thì cần khuấy động, tạo được sự kết nối giữa du khách với các điểm đến qua các ứng dụng công nghệ hiện đại.
Nhen lên ngọn lửa hồng
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã định hướng giải pháp trong thời gian tới, với 4 khâu đột phá là "Thể chế - Thiết chế - Nguồn nhân lực - Chuyển đổi số". Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, cần đổi mới phương thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19, cụ thể là tăng cường các chiến dịch quảng bá du lịch online hay qua các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến du lịch nội địa bằng các gói sản phẩm kích cầu du lịch hấp dẫn; thu hút sự tham gia chủ động, linh hoạt của các bên liên quan trong hoạt động truyền thông, quảng bá; chú trọng ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để bắt nhịp với thế giới... Lãnh đạo Bộ VH, TT&DL cần có văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như là các đơn vị nghệ thuật thực hiện thiết lập các kênh trực tuyến, đưa các sản phẩm nghệ thuật chất lượng, bắt mắt, phù hợp với xu hướng của nền tảng trực tuyến để giới thiệu rộng rãi tới công chúng, từ đó củng cố thương hiệu từ nhà hát số, sân khấu online...
Để thực hiện được các nhiệm vụ này, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị: Chính phủ có chính sách vắc xin riêng cho một số trung tâm du lịch trọng điểm, tạo môi trường an toàn để có thể khôi phục hoạt động du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đi du lịch Việt Nam; lãnh đạo Bộ VH, TT&DL tiếp tục chỉ đạo để Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sớm được cấp vốn điều lệ và kinh phí hoạt động, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; đề nghị các địa phương chủ động bố trí, kêu gọi xã hội hóa tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là cho hoạt động xúc tiến quảng bá; phối hợp, tham gia các chương trình truyền thông, xúc tiến do Bộ VH, TT&DL phát động, cũng như chủ động tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến địa phương; tạo điều kiện hợp tác công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động mọi nguồn lực, tham gia từ các cá nhân, tổ chức quan tâm; khuyến khích hình thành các liên minh, liên kết hợp tác cùng xúc tiến quảng bá điểm đến hoặc sản phẩm du lịch.
Diễn đàn do Bộ VH, TT&DL tổ chức, kết nối với 63 điểm cầu trên cả nước thông qua kênh Youtube, nhằm làm rõ những tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành VH, TT&DL, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể thích ứng và phát triển ngành trong tình hình mới |
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ tham mưu xây dựng thể chế, chủ động rà soát lại các bộ luật, thông tư... liên quan đến lĩnh vực của ngành để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý tốt hơn. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình. Phát huy hiệu quả mô hình nhà hát online, sân khấu online để tăng cường giáo dục, tuyên truyền lịch sử, văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong đó ưu tiên dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, thí điểm triển khai mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc. Một diễn đàn không tham vọng có thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng qua đó để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả mà toàn ngành đã cố gắng đạt được; nghiên cứu, lựa chọn mô hình đúng, trúng, có tác dụng lan tỏa để nhân rộng cả nước. Qua những khó khăn trong đại dịch, chúng ta cũng thấy được những bài học kinh nghiệm để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, với tinh thần quyết liệt nhất. Người làm văn hóa phải nhen lên ngọn lửa hồng, chứ đừng trách thực tế u buồn như hiện nay.
Bộ trưởng cho rằng, khi chúng ta đang nỗ lực phủ kín tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thì các hoạt động của ngành VH, TT&DL sẽ rất khó để trở lại hoạt động bình thường như trước kia. Chính vì vậy, ngành cần phải xác định chuyển hướng, trong đó tập trung một số vấn đề như: Tập trung tham mưu xây dựng thể chế, trong đó phải chủ động rà soát các Luật, Nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành… để đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Đối với Luật Điện ảnh sửa đổi, Bộ trưởng cho rằng cần phải xây dựng theo hướng đó là một lĩnh vực thuộc về nghệ thuật, nhưng quan trọng hơn đó là lĩnh vực thuộc về công nghiệp văn hóa. Có như vậy mới thấy được giá trị văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa… Tiếp đến là Luật về Di sản, Quảng cáo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn…
Bộ trưởng cũng yêu cầu cần sớm trình Chính phủ ban hành chương trình Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, Chiến lược thể thao Việt Nam trong 10 năm tới, triển khai Chiến lược Văn hóa Việt Nam…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại