Thứ sáu 19/04/2024 09:50
Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội:

Cần quan tâm hơn tới đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý kiến vào Dự thảo, ông Bùi Khắc Chu, Bí thư Chi bộ số 7, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội đề nghị, nhiệm kỳ tới, TP cần quan tâm hơn tới đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố.

Qua nghiên cứu Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Chu cho rằng, dự thảo đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu, có chất lượng, cơ bản đáp ứng được cả về nội dung và hình thức thể hiện.

Bên cạnh phần đánh giá tổng quát nêu những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm, dự thảo còn xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp nhằm đưa TP Hà Nội không ngừng phát triển.

can quan tam hon toi doi ngu can bo thon to dan pho
Ông Bùi Khắc Chu, Bí thư Chi bộ số 7, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. (Ảnh: Khánh Phong)

Tuy nhiên, ông Bùi Khắc Chu cho rằng, nhiệm kỳ tới TP cần có những giải pháp để cải thiện tốt hơn về vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề rác thải, nước thải trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, TP cũng cần có sự quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố.

Theo ông Chu, đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi hội, đoàn thể.

Họ là những người sát dân, gần dân, hiểu nhân dân nhất, là những người được bà con trong cộng đồng tín nhiệm bầu ra, là cánh tay nối dài của UBND cấp xã, phường được hình thành, từng bước được củng cố, kiện toàn và khẳng định được vai trò cũng như tầm quan trọng của mình.

Cũng theo ông Chu, có lẽ chỉ những ai đã từng tham gia công việc của đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản, tổ dân phố mới thực sự hiểu được những khó khăn, vất vả. Họ phải làm rất nhiều việc, từ tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến người dân; vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân; tham gia các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở…

Hiện nay, đa số lực lượng cán bộ, thôn, tổ dân phố tận tụy với công việc, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an ninh, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước

Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng dân vận, tổ chức; nhiệt tình, trách nhiệm với việc làng, việc phố thì ở đó cán bộ và nhân dân đoàn kết, an ninh, trật tự được giữ vững, chủ trương, chính sách, các phong trào, các cuộc vận động được thực hiện một cách hiệu quả, ngược lại sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém, trì trệ…

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cán cân giữa trọng trách được giao và quyền lợi được hưởng của cán bộ thôn, tổ dân phố luôn chênh lệch lớn, trong khi, giá cả hàng hóa, giá trị ngày công lao động ngày một tăng.

Ông Chu cho biết, hiện nay, Bí thư chi bộ và Tổ trưởng dân phố được hưởng phụ cấp là 1,1 mức lương cơ sở (khoảng 1.639.000 đồng/tháng), tổ phó là 0,7 (khoảng 1.043.000 đồng/tháng).

“Với những cán bộ thôn, tổ dân phố có lương hưu thì với khoản phụ cấp như trên cũng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, còn với những người không có hưu trí nếu trừ chi phí đi lại, xăng xe thì thậm chí có tháng không đủ, như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, trách nhiệm và khả năng tham gia công việc”, ông Chu chia sẻ

Bên cạnh đó, ông Chu đề nghị TP cần nâng mức phụ cấp cho các cán bộ thôn, tổ dân phố. Và, có thể xem xét mua bảo hiểm xã hội cho những cán bộ thôn, tổ dân phố chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Đó là động lực để họ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững chắc.

Ông Bùi Khắc Chu cũng cho rằng, hiện nay, theo quy định của TP, họp tổ dân phải đảm bảo từ 50% người dân trở lên tham gia, tuy nhiên có những tổ dân phố sau khi sáp nhập có đến 300 - 400 hộ dân, do đó cần có chỗ họp đủ cho khoảng 200 người ngồi, trong khi hầu hết các nhà văn hóa tại các phường hầu hết là nhỏ. Do đó, đề nghị TP cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của các địa bàn dân cư.

Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động