Cần phân biệt công ty tài chính với tín dụng đen
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội thảo "Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" diễn ra sáng 18/10. |
Để phân biệt rõ các công ty tài chính và các hình thức tín dụng đen, sáng 18/10, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo: “Tài chính tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”.
Theo đó, cùng có tên là “công ty tài chính” thế nhưng Việt Nam mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc... hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng, số còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Đáng chú ý, mặc dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.
Bởi lẽ, một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
So với trước đây, hoạt động của tội phạm tín dụng đen trở nên tinh vi dưới bóng các doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội. Đa số mời chào người có nhu cầu với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng... nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.
Một số hợp đồng có số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn, nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức cho phép. Thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng, hoặc ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.
Thời gian gần đây, một số ứng dụng cho vay không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản cũng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin. Khi khách hàng để lại thông tin, đối tượng sẽ liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng cho vay. Những ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho mục đích trái pháp luật.
Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) nhận định, do tập khách hàng của những ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp cần vay vài triệu đồng trong thời gian ngắn nhưng không muốn thực hiện các thủ tục tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, nên thường bỏ qua các quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt. Điều này dẫn đến lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần so với quy định.
Để tín dụng đen không còn len lỏi được chân rết vào đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, hoặc trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Đặc biệt người vay cần lưu ý việc tra thông tin trên mạng của 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại