Cần làm gì khi trẻ em trở thành tội phạm từ chính bạo lực học đường?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác thanh thiếu niên trong vụ án có tuổi đời còn rất trẻ khi vướng vòng lao lý |
Hồi chuông buồn từ các vụ bạo lực học đường
Ngày 14-10, CA thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan CSĐT-CA thị xã đã ra quyết định khởi tố 29 bị can về tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích.
Đáng buồn, các đối tượng liên quan đến vụ án này đều có tuổi đời từ 16 đến 18, chủ yếu đang học ở các trường THCS, THPT trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Tuy nhiên, chỉ vì phút nông nổi đã biến mình thành tội phạm.
Theo điều tra ban đầu, tối 2-10-2021, xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhóm Nguyễn Văn Hào và Vũ Huy Hoàng nên CẢ hai lên facebook hẹn gặp nhau tại vòng xuyến phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên để “giải quyết” mâu thuẫn.
Hai bên đều chuẩn bị các loại hung khí như dao, kiếm, gậy... để hẹn gặp nhau. Khi vừa tới điểm hẹn, hàng chục thanh thiếu niên lao vào hỗn chiến. Hậu quả, Ngô Quang Phát bị thương ở đầu, được đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định thương tích tạm thời của Phát là 41%.
Sau khi củng cố hồ sơ tài liệu, Cơ quan CSĐT-CA thị xã Quảng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố 29 bị can để điều tra về hành vi Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích.
Trước đó, từng xảy ra vụ việc hai nữ sinh cấp 3 cầm đầu nhóm 50 đối tượng hỗn chiến bằng dao, gậy, mũ bảo hiểm xảy ra tại Ninh Bình làm rúng động dư luận.
Cụ thể, khoảng 14g ngày 12-9-2021, do mâu thuẫn trong quá trình học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Hoa Lư, nữ sinh T.N.N.A, SN 2005, học sinh lớp 11B đã hẹn N.T.H, SN 2004, học sinh lớp 12B, đến khu vực đê Hoàng Long, thuộc thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, để giải quyết mâu thuẫn.
Tại đây, nhóm của N.A (khoảng 30 đối tượng) đã lao vào hỗn chiến với nhóm của H (khoảng 20 đối). Hai phe dùng dao, gậy, tuýt sắt và mũ bảo hiểm để đánh nhau. Trong quá trình xô xát, Đ.T.H, SN 1994, (thuộc nhóm của H.) bị V,N.K.N, SN 2005, trú ở xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, (thuộc nhóm của N.A), gây thương tích phải điều trị tại BV Đa khoa tỉnh.
CA huyện Hoa Lư đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại TP HCM cũng từng lan truyền clip dài hơn 6 phút trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một số nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học. Những hình ảnh cho thấy một nữ sinh dùng tay tát, đá liên tiếp, đồng thời giật tóc và chửi bới nữ sinh còn lại. Nữ sinh bị đánh hầu như không phản kháng.
Trong khi đó, những học sinh đứng xung quanh chỉ xem chứ không can ngăn. Các em này còn cổ vũ và thậm chí thỉnh thoảng hùa vào đánh cùng. Những học sinh này còn bảo nhau đóng cửa lớp lại...
Ngay tại Hà Nội cũng từng xảy ra vụ việc, hai nhóm học sinh cầm tuýp sắt gắn dao phóng lợn, đao, kiếm “hỗn chiến” khiến 2 người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, ngày 7-1, CA quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng đều trú tại Hà Nội về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Qua tài liệu của CQĐT, khoảng 0g15 ngày 10-11-2019, CA phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, nhận được tin báo của người dân về việc tại trước số nhà 332, đường Nguyễn Trãi xảy ra vụ “hỗn chiến” giữa hai nhóm khoảng hơn 20 thanh niên cầm hung khí, chai xăng xô xát đánh nhau.
Tiếp nhận tin báo, CA phường Thanh Xuân Trung đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ CA quận Thanh Xuân tổ chức vây bắt các đối tượng và điều tra vụ việc.
CA quận Thanh Xuân cho biết, trong hai nhóm gây ra vụ việc, nhiều thanh niên mới chỉ 16 tuổi đang là học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, sau khi tham gia cuộc “hỗn chiến” nêu trên, 3 đối tượng trong nhóm của Duy còn tham gia vụ cướp bị CA quận Long Biên bắt giữ vào tháng 12-2019.
Nhóm nữ sinh tụ tập trên bờ đê hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. |
Nguyên nhân đến từ đâu!?
Nguyên nhân của bạo lực học đường trước hết xuất phát từ chính bản thân học sinh khi các em đang ở độ tuổi từ 12 đến 17, có sự chuyển biến về mặt tâm lý. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và với cái tôi cá nhân quá cao (mà không biết sử dụng đúng cách), chỉ cần những tác động xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau.
Từ góc độ gia đình, phụ huynh ít quan tâm tới con cái, hoặc bị stress và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình. Và chính tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường.
Nguyên nhân bạo lực học đường cũng có một phần do giáo dục từ phía nhà trường, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.
Đối với xã hội, cùng với sự phát triển của internet và các mạng xã hội, học sinh dễ dàng tiếp xúc với những hành vi bạo lực, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực…
Các nữ sinh dùng dao, gậy, tuốc sắt và mũ bảo hiểm… để đánh nhau gây thương tích cho bạn. Ảnh cắt từ clip |
Giải pháp nào để phòng tránh bạo lực học đường?
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần có những giải pháp thiết thực, hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Về phía học sinh, cần có ý thức tự rèn luyện, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của bạo lực. Trong lớp, cần tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập.
Đối với một số học sinh cá biệt, cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử. Với nhà trường, cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh.
Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực. Nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường.
Đặc biệt, phụ huynh cũng cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè. Ngày nay với sự pháp triển của xã hội, trẻ được tiếp xúc sớm và nhiều vấn đề từ mọi phía nên gia đình-cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái, là điểm tựa an toàn và gần gũi nhất để sớm nắm bắt tâm lý tình cảm của các em nhưng cũng tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý dựa dẫm và hưởng thụ.
Ngoài ra, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể hay lực lượng CA cũng cần đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, phối hợp cùng với nhà trường và gia đình đẩy lùi bạo lực học đường. Đồng thời có các biện pháp giăn đe, giáo dục kịp thời để điều chỉnh hành vi của các em cũng như sớm hướng tới giáo dục pháp luật để không vì phút sốc nổi, thiếu hiểu biết pháp luật mà cánh cửa tương lai tươi sáng phía trước bị hẹp đi hay đóng lại.
Trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu rõ những quy định của pháp luật và có cơ hội để sửa đổi bản thân sau những lầm lỗi đầu đời. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại