Thứ hai 25/11/2024 04:46
Áp lực điểm thi của con trẻ:

Cần coi thành tích của con là một thông tin riêng tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Áp lực thi cứ khiến nhiều cô, cậu bé có những hành động nông nổi. Kỳ vọng của bố mẹ, những mục tiêu bọn trẻ tự đề ra khiến những kỳ thi với chúng là một sự thử thách mà khi thất bại, nhiều cô cậu bé rơi vào khủng hoảng. Và đôi khi, sự hồn nhiên khoe thành tích của con cái trên mạng tiếp thêm một áp lực cho những cô cậu bé còn quá non nớt này…
Đoạn đăng tải tìm con của một cặp phụ huynh sau khi có điểm thi tốt nghiệp
Đoạn đăng tải tìm con của một cặp phụ huynh sau khi có điểm thi tốt nghiệp

Giúp con vượt qua cú sốc

Tối 10/7, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một nữ sinh ở Hà Nội đã bỏ nhà đi vì kết quả thi vào lớp 10 không tốt. Bố mẹ nữ sinh đã lên mạng đăng thông tin nhờ tìm giúp. Rất may mắn, sau 1 hôm, gia đình đã tìm được cô con gái bé nhỏ. Sự việc trên nói lớn cũng không lớn, tuy nhiên nói nhỏ cũng không nhỏ. Việc áp lực thi cử, học tập từ bao lâu nay đã khiến cả các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh áp lực không ít. Vậy giải quyết cách nào, đồng hành cùng con ra sao để những cô cậu bé chưa đến tuổi trưởng thành vượt qua cú sốc đầu đời là chuyện không đơn giản.

Về câu chuyện này, chị H.Đ (TP HCM) đã chia sẻ. Cách đây 3, 4 năm, cậu lớn nhà chị cũng trải qua kỳ thi tốt nghiệp. Bởi chuyển từ Hà Nội vào TP HCM cộng với một số biến cố trong gia đình, nên cuộc sống của chị và các con khá vất vả. Các con đa phần tự học chứ cũng không trông chờ được vào mẹ vì mẹ cũng đang theo học một lớp văn bằng 2. “Nhìn điểm số học bạ con học, và thỉnh thoảng có hỏi con về việc học mình vẫn đinh ninh con học rất ổn. Nhưng đến khi con thi cấp 3 đăng ký 3 nguyện vọng thì nguyện vọng đầu trượt. Lúc đấy, tất cả các bạn cũ của con (ở Hà Nội, ở trường cấp 1, 2 cũ) đều đậu nguyện vọng 1 vào trường Chuyên. Con đã rất sốc!”

Chị Đ cho biết, với kết quả ấy, bản thân chị cũng rất bất ngờ cho dù trường nguyện vọng 2 của con cũng là trường tốt nhưng bởi hỏng nguyện vọng 1 khiến con cảm thấy thất vọng về chính mình. Mất niềm tin vào chính mình! “Mình khuyên con làm đơn xin phúc khảo, vì ít nhất môn toán nếu so với phần con làm bài được với đáp án thì điểm thi thấp hơn 3 điểm. Mình nghĩ có thể cộng điểm nhầm hoặc chấm nhầm. Tuy nhiên, đến ngày xem điểm phúc khảo, mình không thấy tên con đâu, mình hớt hải đi hỏi thì được biết con đã rút đơn. Con sợ phúc khảo trượt nốt nguyện vọng 2” – chị Đ kể.

Sau đó, chị lên trường cấp 3 của con, trình bày với thầy hiệu trưởng về câu chuyện của con và mong thầy xếp con vào lớp nào có thầy cô tâm lý giúp. Rồi chị gặp cô chủ nhiệm và mong cô tâm sự trò chuyện với con để con tự tin và chú tâm vào việc học. “Mình dù luôn động viên con cố gâng nhưng trong lòng thực ra buồn vô hạn. Vậy nên mình rất hiểu tâm lý của các bố mẹ có con thi bị điểm thấp” – chị tâm sự.

Do chỉ đậu nguyện vọng 2 nên cậu chàng vào học với tâm thế không vui vẻ gì. Điều khủng hoảng hơn đấy là cậu bảo học toán mà thầy cô giảng nghe không hiểu gì hết. Giữa kỳ lớp 10, điểm toán của cậu rất thấp, chị Đ đã tức tốc tìm gia sư và tâm sự với con, đồng thời nói chuyện, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm nhờ phối hợp, giúp đỡ.

“Rồi con yêu ngôi trường của con, thầy cô của con, bạn bè của con. Và từ kỳ 2 năm lớp 10 cho đến khi ra trường, con thật sự là đứa trẻ hạnh phúc, có kết quả học tập rất tốt! Mình không có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ, nhưng thực sự tìm giải pháp giúp con vượt qua cú sốc không chỉ là chuyện của cha mẹ với con” – chị nói.

Không nên khoe thành tích của con lên mạng xã hội

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022- 2023, có gần 130.000 sĩ tử của TP sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tuy nhiên chỉ có khoảng 70.000 suất vào các trường THPT công lập. Điều ấy có nghĩa là có khoảng 60.000 cháu sẽ phải học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên… “Thường trước mùa thi các bậc phụ huynh rất lo lắng cho con. Việc ấy vô hình chung cũng tạo áp lực cho con, khiến kỳ thi căng thẳng 1 đứa trẻ căng thẳng 10.

Rồi khi đạt điểm thì nó vui một nhưng không đạt kết quả như mong đợi nó lại thất vọng đến cả 100 lần, coi như mình vô dụng. Các bố mẹ kêu gọi hãy bình thường hoá kỳ thi nhưng thực lòng lại không làm được. Muốn câu chuyện học hành đừng áp lực thì tạo hành lang chung cho trường công và tư. Ví dụ chất lượng hoặc mức học phí. Lý nào có cái lý cùng một nền giáo dục mà đứa phải đóng nhiều đứa đóng ít tiền không?” – chị Đ. nêu quan điểm.

Áp lực cho con trẻ, theo chị Hạnh Nguyễn (quận Hoàng Mai): "Các con bị áp lực nhiều khi không phải từ gia đình, mà từ chính nhà trường, các nhóm Zalo, Facebook, nơi mà 2 hôm nay ngập tràn những bài đăng điểm thi và những lời chúc tụng…

Những cái đó đè nặng lên những đứa trẻ hơn ngàn lời mắng. Không những áp lực trong lúc học, mà ngay khi có kết quả thi, các con- những đứa trẻ thi trượt, lại chịu thêm áp lực bởi “làn sóng” khoe thành tích – điểm số của con từ các bậc phụ huynh ở trên mạng xã hội”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia tâm lý, giáo dục đồng tình rằng, việc các bậc phụ huynh có “mốt” khoe thành tích của con lên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên do khiến áp lực của những đứa trẻ nặng nề thêm. Bởi lẽ, không chỉ với những đứa trẻ đạt kết quả không mong muốn, mà kể cả những đứa trẻ đạt điểm cao việc khoe thành tích của trẻ lên mạng cũng tạo áp lực cho chúng. Theo đó, những đứa trẻ thất bại sẽ càng cảm thấy thất bại hơn, còn đứa trẻ đã thành công lại càng cảm thấy mình cần phải tiếp tục thành công trong tương lai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ai dám chắc rằng con mình sẽ không bao giờ gặp thất bại? Và nếu một đứa trẻ quen thành công khi gặp thất bại... lại bị so sánh và tiếp cận với rất nhiều sự thành công của người khác trên mạng sẽ có tâm trạng như thế nào? Việc chia sẻ thành tích của trẻ trên mạng xã hội là một điều không nên, vì vậy nên chăng cũng cần coi thành tích của con là một thông tin riêng tư.
Tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh khi trở lại trường học
Giải pháp cho tình trạng trẻ vị thành niên tự tử: Chỉ có thể là tình thương yêu!
Phụ huynh có con thi vào lớp 10: Chúng tôi không tạo áp lực cho con
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động