Thứ hai 20/05/2024 18:20

Cần có chế tài đủ mạnh với các trường hợp để mất an toàn vệ sinh lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Theo UBTVQH, các nước khi xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thường căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý đối tượng tham gia để mở rộng dần đối tượng.

Áp dụng cả với khu vực không có quan hệ lao động

“Cần có chế tài đủ mạnh với người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi để mất an toàn lao động (ATLĐ)” – Đại biểu (ĐB) Khúc Thị Duyền (Thái Bình) phát biểu về Dự luật An toàn vệ sinh lao động trong phiên thảo luận của QH sáng ngày 25-5.

Cũng như ý kiến của nhiều ĐB khác, ĐB Khúc Thị Duyền nhất trí việc Dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động, thể hiện sự không phân biệt đối xử với người lao động (NLĐ) trong khu vực này. Theo ĐB Khúc Thị Duyền, năm 2014, thống kê trong cả nước có 562 vụ tai nạn lao động gây chết người, nhưng đây chủ yếu là thống kê trong lĩnh vực có quan hệ lao động, còn không có quan hệ lao động thì không thống kê được. ĐB Khúc Thị Duyền cũng đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ một phần cho NLD trong lĩnh vực không có quan hệ lao động khi tham gia bảo hiểm tự nguyện.

ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) đề nghị “đặt lên hàng đầu các biện pháp ưu tiên, bảo đảm an toàn lao động” vì mất mát với NLĐ khi bị tai nạn lao động là rất to lớn. Bên cạnh đó, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung bệnh nghề nghiệp vì năm 1976 quy định 8 bệnh nghề nghiệp nhưng đến nay sau 38 năm mới công bố thêm 21 bệnh, trong khi đó quốc tế đã công bố danh mục 105 bệnh nghề nghiệp.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo cho biết, nhiều ĐB tán thành với việc bổ sung 2 chính sách mới trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào dự luật. Đồng thời, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách bảo hiểm cho người bị mắc bệnh nghề nghiệp khi đã chuyển công việc và tính khả thi của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLD làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động.

ĐB Nguyễn Minh Phương: “Dự thảo thiếu quy định về điều tra bệnh nghề nghiệp”

Đề nghị bổ sung bệnh nghề nghiệp

Theo UBTVQH, các nước khi xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thường căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý đối tượng tham gia để mở rộng dần đối tượng. Tổ chức lao động quốc tế cũng khuyến nghị các quốc gia chỉ áp dụng chính sách bảo hiểm cho một bộ phận người lao động không có quan hệ lao động (xã viên HTX, người lao động tự do hoặc tự tạo việc làm trong các trang trại và doanh nghiệp quy mô nhỏ). Vì vậy, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện, chưa quy định chính sách bảo hiểm bệnh nghề nghiệp vì khó khả thi. Đồng thời, giao cho Chính phủ quyết định cụ thể về đối tượng và thời điểm thực hiện chính sách này cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.

Tiếp thu ý kiến ĐB, bà Trương Thị Mai cho biết dự thảo Luật đã quy định mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tối đa 1% (thay cho mức đóng cố định 1% như trước đây) và giao Chính phủ căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để quyết định mức đóng cụ thể. Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, quy định mức tối đa đóng quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động là 1%, vậy mức đóng tối thiểu là bao nhiêu, mức chi phù hợp với mức đóng như thế nào?

Hiện nay, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người, tài sản, môi trường (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý của từng Bộ, ngành (Điều 70 của Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa). Tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo Luật đã quy định trên cơ sở Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, giao Bộ LĐ-TB & XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

“Dự thảo mới chỉ quy định về điều tra tai nạn lao động và sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng mà thiếu điều khoản quy định về điều tra bệnh nghề nghiệp, cần bổ sung thêm để phù hợp với Công ước về ATVSLĐ mà Việt Nam đã thông qua”, ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) phát biểu. Đồng thời, điều này cũng phục vụ yêu cầu của Bảo hiểm xã hội về tính chính xác khi chi trả trợ cấp, đáp ứng yêu cầu của thanh tra lao động cũng như yêu cầu khiếu nại của NLĐ và NSDLĐ.

Còn Theo ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM), thời hạn điều tra tai nạn lao động với tai nạn từ hai người trở lên không quá 15 ngày là không khả thi, nên sửa lại không quá 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được khai báo của người bị tai nạn. ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) lại đề nghị Bạn soạn thảo bổ sung quy định về bồi thường tổn thất tinh thần trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoàn toàn do lỗi củaNSDLĐ.

Theo chương trình, Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, nhằm góp phần khắc phục tình trạng tai nạn lao động xảy ra phức tạp như hiện nay.

Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động