Thứ sáu 29/03/2024 05:03

Cần có giải pháp chống hàng giả hữu hiệu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả từ lâu đã được coi là một vấn nạn do lợi nhuận cực lớn mà nó mang lại. Để phòng, chống vấn nạn này, cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ của không chỉ nhà sản xuất, mà còn của các cơ quan Bộ, ban, ngành y tế.
Cần có giải pháp chống hàng giả hữu hiệu
Thuốc và TPCN bị làm giả không những làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây nguy hại đến sức khỏe toàn xã hội. (Ảnh minh hoạ: Tổng cục QLTT)

Triệt phá nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc, TPCN giả trên địa bàn Hà Nội

Thời gian qua, nhiều đường dây, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả trên địa bàn Hà Nội được phát hiện và triệt phá. Vào tháng 4/2022, tại Hà Nội, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ gần 30.000 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi vitamin C có tên gọi BEEROCAC+ được bày bán công khai tại cơ sở kinh doanh thuốc và TPCN. Tại thời điểm kiểm tra, DN thừa nhận các sản phẩm viên sủi vitamin C xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu của một sản phẩm đang được bảo hộ theo đăng ký quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, lợi dụng việc người dân có nhu cầu về các sản phẩm bổ sung vitamin, DN này đã đặt hàng gia công sản xuất viên sủi vitamin C để cung cấp ra thị trường. Nếu chỉ nhìn hình thức bề ngoài, các sản phẩm này không khác gì sản phẩm nước ngoài cùng tên đã được đăng ký sở hữu bảo hộ quốc tế. Do đó người tiêu dùng rất dễ mua phải những sản phẩm nhái thương hiệu. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện doanh nghiệp sử dụng 1 website bán hàng trực tuyến nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện nhóm người đang đóng gói một số loại hàng hoá có dấu hiệu giả mạo, bao gồm: kem chống nắng, lăn khử mùi, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thuốc giảm cân. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an thu giữ tang vật trên 20.000 sản phẩm hàng hoá các loại. Bước đầu chủ cơ sở khai nhận hành vi sản xuất hàng giả là TPCN bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để mang tiêu thụ tại thị trường. Giá trị thành phẩm sau khi sản xuất chỉ 1.000 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng có thể bị thổi giá lên hàng trăm lần.

Vào tháng 11/2021, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Ba Đình – Hà Nội đã triệt phá 1 ổ nhóm chuyên sàn xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả. Hàng nghìn viên nang thực phẩm chức năng có tác dụng giảm cân đã bị cơ quan chức năng thu giữ. Dù là hàng giả nhưng để đánh lừa người tiêu dùng, các đối tượng gian thương còn in cả tem xác thực, mã QR… giống như hàng chính hãng và bán ra thị trường với giá vài trăm nghìn đồng/hộp.

Hàng giả tràn lan trên hầu hết các lĩnh vực

Công tác phòng, chống hàng giả nói chung luôn được Nhà nước quan tâm và về cơ bản, chúng ta đã có đầy đủ các chính sách phòng, chống thuốc và thực phẩm chức năng giả.

Tuy vậy trong thực tế, xu hướng buôn bán sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng chuyển sang ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, qua đường bưu chính để vận chuyển, công khai mua bán trên môi trường mạng...

Phát biểu tại hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay, hàng giả tràn lan trên hầu hết các lĩnh vực, từ truyền thống cho đến kênh hiện đại như thương mại điện tử.

Những mặt hàng được làm giả rất nhiều, từ phân bón giả đến hàng tiêu dùng bị làm giả, từ các mặt hàng tiêu dùng cao cấp bị làm giả như nước hoa, túi xách, thực phẩm chức năng… Đặc biệt là thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) bị làm giả.

Thuốc và TPCN là những sản phẩm rất đặc thù, theo ông Nguyễn Đức Lê, thuốc và TPCN bị làm giả không những làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây nguy hại đến sức khỏe toàn xã hội. Hệ lụy để lại cho con người là không hề nhỏ. Người bệnh dùng thuốc giả, cơ hội chữa bệnh mất đi, sức khỏe giảm sút. Với doanh nghiệp làm ăn chân chính, bị ảnh hưởng thương hiệu, nền kinh tế cũng bị giảm uy tín, khi chúng ta hội nhập mà sản phẩm bị làm giả sẽ khó thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua, các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã đẩy lên một cao trào với làn sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Cần có giải pháp chống hàng giả hữu hiệu
Một vụ việc kinh doanh thuốc, TPCN giả bị phát hiện. (Ảnh: Tổng cục QLTT)

Cần phải có giải pháp chống thuốc, TPCN giả hữu hiệu

Về nguyên nhân vấn nạn này, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, do việc buôn bán TPCN, thuốc giả tạo ra những lợi nhuận của ngành dược là rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả trong các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết.

Điểm qua hàng loạt các vụ án trong ngành y tế trong thời gian vừa qua, điển hình là vụ án của Việt Á và VN Pharma, tổng giá trị của những vụ gian lận này lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng.

Số lượng tội phạm ngày càng phát triển, cho nên, dù lực lượng QLTT được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ để đối đầu với các đối tượng gian lận với số lượng đông đảo và ngày càng tinh vi, đến từ các ngành nghề khác nhau. Nói một các khác, lực lượng biên chế quản lý quá mỏng, dẫn đến việc phát hiện, xử lý và chống hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trên thực tế.

“Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng để phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần 1 khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra”, ông Nguyễn Đức Lê cho biết thêm. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn Thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Có những vụ việc mặc dù có được sự tham gia của ngành y tế, nhưng việc xác định thuốc giả như trong vụ án VN Pharmar kéo dàng hàng năm trời mới có thể đưa ra kết luận đó là sản phẩm làm giả về cả chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ.

Việc khó nhận biết được thật và giả dẫn đến việc thực thi vai trò, chức năng nhiệm cụ của cơ quan QLTT bị hạn chế rất nhiều trên cương vị bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Về giải pháp, theo ông Nguyễn Đức Lê, làm sao để việc nhận biết thuốc thật và giả một cách chính xác và dễ dàng nhất. Cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận được áp dụng một cách triệt để có thể hỗ trợ cho cơ quan quản lý thị trường dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng, đồng thời giúp lực lượng QLTT có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của hồ sơ sản phẩm, tránh trường hợp bị cho là làm khó doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Việc khó nhận biết thật và giả đối với thuốc là nguyên nhân chính của các vụ án gian lận bị đẩy qua cho công an điều tra trong thời gian qua. Để chung tay góp sức trong hoạt động chống thuốc giả và thực phẩm chức năng giả, ông Lê đề xuất cần có sự góp sức đầu tiên của các nhà sản xuất, tiếp theo là sự vào cuộc của các cơ quan Bộ, Ban, Ngành Y tế. Theo ông, việc vào cuộc đồng bộ của các cơ quan ban ngành nhằm đạt mục tiêu là nhận biết được thuốc và thực phẩm phẩm chức năng giả một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của toàn dân. “Nếu nói việc chống hàng giả là một cuộc chiến thì chiến tranh nhân dân ắt sẽ dành thắng lợi như cách mà chúng ta đã đi qua các cuộc chiến trong quá khứ”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Thu giữ hơn 4.000 sản phẩm áo chống nắng giả thương hiệu nổi tiếng Thu giữ hơn 4.000 sản phẩm áo chống nắng giả thương hiệu nổi tiếng
Kiểm soát chặt các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Kiểm soát chặt các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Hà Nội: Chủ động đối phó có hiệu quả với hàng giả, hàng lậu Hà Nội: Chủ động đối phó có hiệu quả với hàng giả, hàng lậu
Hà Nội: Từng bước đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái Hà Nội: Từng bước đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động