Thứ bảy 09/11/2024 08:18
Đại biểu Vũ Tiến Lộc:

Cần có chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định CPTPP hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Cùng với việc phê chuẩn, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả”.

Đây là nội dung được TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 5-11.

3 yêu cầu cơ bản của chương trình hành động

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, chương trình hành động phải ít nhất đáp ứng ba yêu cầu cơ bản:

Một là, phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.

Hai là, phải dự kiến được các phương án cụ thể để chúng ta không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.

Ba là, chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.

CPTPP mang đến những cơ hội quý giá

Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự nhất trí với tờ trình của Chủ tịch Nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP ngay tại kỳ họp này bởi những cơ hội quý giá mà Hiệp định mang lại.

Những cơ hội này theo đại biểu Vũ Tiến Lộc đó là: Mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta. Cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Đồng thời cho biết cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định.

“Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.

Chúng ta cũng mong đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại. Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “ made in Viet Nam” trong con mắt và trái tim người tiêu dùng toàn thế giới”, đại biểu nói.

can co chuong trinh hanh dong bao dam thuc thi hiep dinh cptpp hieu qua
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, “tất cả mới chỉ là cơ hội”. “Bởi kỳ vọng rất nhiều vào các cơ hội từ Hiệp định này, nên chúng ta cũng không thể không lo lắng. Lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không thể trở thành hiện thực. Bài học từ việc thực hiện 10 FTAs đang có cho thấy rất rõ điều này.

Các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Theo đại biểu, việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động