Cần cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phân tích, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với quốc tế nên cần được đầu tư để phát triển xứng tầm. Thực tế giai đoạn vừa qua, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng, chi khoảng 100.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu được điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%.
Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người mới xếp thứ 8 cả nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của TP có sự quá tải. Do đó cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.
“Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 hay các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nói: “Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu”. Ảnh: Thanh Hải |
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, với góc độ là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, đại biểu mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện.
“Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội. Song thực tế triển khai Luật Thủ đô cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Đại biểu đề xuất, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của TP mà còn cần được đầu tư từ ngân sách T.Ư, sự phối hợp đầu tư của các Bộ, ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.
Tại đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong Luật Thủ đô còn hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”.
“Ý tôi muốn nói cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội rất trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khóa. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng” – đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Những cơ chế chính sách đặc thù này theo đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng “mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một TP 10 triệu dân đang rất cần phát triển. Hiện Thủ đô có nhiều vấn đề bức bối như môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân bắt đầu có những vấn đề bộc lộ… và với ngân sách nguồn lực hiện nay thì rất khó khăn để làm”.
Phân tích các vấn đề cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với việc Hà Nội được chủ động trong việc thu thêm phí hoặc thu tăng phí (do HĐND TP quyết định), việc này nhằm tăng cường nguồn lực cũng như sự phát triển cho TP. Việc thu thêm phí hoặc được thu tăng phí đi cùng với việc tạo cảnh quan tốt hơn, tạo môi trường tốt hơn, phục vụ tốt hơn là cơ sở để tạo điều kiện phát triển vượt trội của Thủ đô.
Về đề xuất ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, cơ chế này sẽ giúp Hà Nội thực hiện tốt hơn việc quản lý tài sản công. Đồng thời TP cũng sẽ thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn việc di dời các cơ sở cũ. Quy định này cũng hỗ trợ cho TP có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.
Đối với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách TP lên từ 70-90%, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc nâng trần mức dư nợ vay lên như vậy vẫn đảm bảo an toàn cho ngân sách TP. Đồng thời, việc này sẽ tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đây không phải lần đầu tiên bàn về cơ chế đặc thù với TP Hà Hội, hiện có 3 văn bản điều chỉnh vấn đề này. “Nhưng lần nào cũng băn khoăn về quy mô, tính đột phá của văn bản, mỗi lần chỉ sửa đổi một chút, một chút. Trong tương lai tới đây khi bàn về sửa đổi Luật Thủ đô có lẽ lại thêm một chút nữa”. Ở lần này ban hành cơ chế thí điểm, đại biểu nhận định sẽ có những quy định thực hiện thành công, có thể có những quy định chưa thành công nhưng quan trọng là mạnh dạn đề xuất những hướng đi mới. Đây chính là điều mà đại biểu và cử tri kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, nội dung Dự thảo Nghị quyết còn “mỏng”, thiếu những quy định mang tính đột phá. “So sánh với TP HCM, có nhiều vấn đề Thủ đô chưa bằng. Ví dụ về chính sách thuế, Hà Nội không có những quy định đặc thù về thuế”.
Tán thành với đề xuất để TP Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND TP Hà Nội song theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, tại thời điểm hiện nay chưa áp dụng triển khai được ngay khi đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, cần có lộ trình để đảm bảo sức chịu đựng của người dân, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
“Chúng tôi mong muốn có những bước đột phá, quy định mang tính mạnh mẽ hơn để tạo cơ sở pháp lý. Tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, chúng ta cần nghiên cứu tổng thể, đưa ra chính sách mạnh mẽ hơn để tạo sự ổn định, tránh việc thường xuyên điều chỉnh manh mún, trong khi quy mô chưa đạt được mức như kỳ vọng”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại