“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể. Ảnh: Tạp chí nghiên cứu Lập pháp |
Tích cực học tập và tự trau dồi kiến thức
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập chính trị của cán bộ. Người từng nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Người cho rằng, phải có lý luận, phải có chủ nghĩa thì tinh thần mới vững, hành động mới nhất quán. Người cán bộ phải trước hết là người hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu đúng rồi thì đem ra vận dụng để cho công việc thành công. Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Để huấn luyện, bồi dưỡng và làm cho cán bộ trưởng thành, Đảng phải bỏ nhiều công sức, phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để huấn luyện, học tập có kết quả thì trước hết phải xác định đúng mục đích huấn luyện, học tập. Người căn dặn, cán bộ đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”, học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, việc đào tạo cán bộ là việc hết sức hệ trọng: Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế, Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại của Đảng. Đào tạo thế là phí công, phí của, vô ích.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách đào tạo hình thức, chạy theo số lượng mà không thiết thực, chu đáo, chất lượng kém. Người cho rằng “học phải đi đôi với hành”, “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Người học phải biết tự giác học tập, xác định mục đích, động cơ học tập. Học tập lý luận “theo nguyên tắc: Kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. Cách học tập là: “lấy tự học làm cốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân, không học Nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.
Đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ
Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vai trò của người cán bộ được Người ví theo cách rất tự nhiên, như: cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong mọi việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Người còn ví, cán bộ như cái dây chuyền của bộ máy liên quan đến nhiều bộ phận, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.
Thực tiễn của các thời kỳ cách mạng cho thấy, trong tất cả mọi công việc của Đảng dù to hay nhỏ, cán bộ là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Cán bộ, đảng viên phải xung phong gương mẫu, bàn bạc một cách dân chủ với mọi người, khuyên mọi người phát biểu ý kiến. Người từng nhắc nhở: trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ phải chống bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối nhằm vào lợi ích của toàn quốc, lợi ích của toàn Đảng.
Người chỉ rõ: Nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác… Cán bộ mắc bệnh hẹp hòi đẻ ra nhiều thứ bệnh khác như không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Thậm chí dìm người giỏi.
Nói đi đôi với làm là một truyền thống, một chuẩn mực hành vi đạo đức của dân tộc Việt Nam, là một nét đẹp truyền thống đạo đức phương Đông như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người phương Đông giàu tình cảm, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người yêu cầu cán bộ phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Đối với cán bộ của Đảng, Người từng căn dặn “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để dân tin, dân quý, dân ủng hộ, người đảng viên phải làm trước, đi trước, dù có gian khổ, hy sinh cũng không kêu ca, phàn nàn. Nói đi đôi với làm còn là cách để cấp trên gương mẫu với cấp dưới, là để cầm tay, chỉ việc giữa người có kinh nghiệm với người mới, người chưa có kinh nghiệm.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cán bộ là cái gốc của mọi việc”, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh; là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
Xuất phát từ thực trạng như vậy, tại Đại hội XIII, khi rút ra các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Bài học kinh nghiệm đầu tiên là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh: “…công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đồng thời, trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khi rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng thì bài học thứ ba được khẳng định là: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ "then chốt" của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân”.
So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là bước phát triển về nhận thức của Đảng ta. Đồng thời, Đại hội cũng xác định rõ: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”. Trong các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng được nêu tại Đại hội XIII cũng có những điểm mới so với Đại hội XII khi bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới trong xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu:
Thứ nhất, về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, Đại hội XIII xác định: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.
Thứ hai, về trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Đại hội xác định: Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Thứ ba, về cơ chế, chính sách, Đại hội xác định: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, "lợi ích nhóm" và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.
Đại hội XIII nhấn mạnh nội dung xây dựng Đảng về cán bộ chính là sự kế thừa và nhất quán trong quan điểm của Đảng về việc coi xây dựng đội ngũ cán bộ là gốc, “là then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm của Đảng trong thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.
Chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp về Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần được thể chế hóa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại