Thứ bảy 20/04/2024 18:47

Căn bệnh ở trẻ dễ khiến phụ huynh lo lắng vì tưởng con bị bạo hành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận trường hợp bé trai (41 tháng tuổi), nhập viện vì trên cơ thể xuất hiện nhiều vết sưng bầm da sau khi đi học về, cùng với nôn ói và đau bụng. Những dấu hiệu này dễ khiến phụ huynh lo lắng vì tưởng con bị bạo hành.
Căn bệnh ở trẻ dễ khiến phụ huynh lo lắng vì tưởng con bị bạo hành
Các vết sưng nề, bầm tím trên bàn tay, bàn chân trẻ dễ nhầm lẫn với dấu hiệu bạo hành. Ảnh: BVCC

Theo đó, trước nhập viện 1 ngày, sau khi đi học về, trẻ đột ngột nôn ói và đau bụng dù trước đó khỏe mạnh bình thường, kèm theo đó là những mảng bầm rải rác vùng mu bàn tay, chân 2 bên và vành tai. Sau đó, trẻ giảm nôn nhưng không chịu ăn uống, ôm bụng quấy khóc. Người nhà thấy trẻ sưng nề nhiều vùng mu bàn tay, chân, và sưng mắt phải, sưng nề vùng bìu, than đau tay chân và quấy khóc nên đưa em đến khám tại phòng khám và được nhập viện để theo dõi. Sau nhập viện, trẻ xuất hiện thêm các mảng bầm nhỏ rải rác 2 cẳng chân, đau khớp, đau bụng nhiều hơn.

Tại Khoa Nhi, qua thăm khám và điều tra bệnh sử cũng như tiền căn, đánh giá tâm lý, các bác sĩ nhanh chóng loại trừ tình huống bạo hành. Kết hợp các xét nghiệm máu, hình ảnh học và xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các bệnh lý về máu, nhiễm trùng, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh ban xuất huyết Henoch - Schonlein.

Sau đó, trẻ được điều trị với thuốc corticoid dạng tiêm, tình trạng cải thiện được chuyển sang uống thuốc. Sau điều trị trẻ đáp ứng tốt, hết đau bụng, hết đau khớp, ban xuất huyết giảm dần. Trẻ được xuất viện và tái khám theo hẹn.

Theo các bác sĩ, đa số biểu hiện ban xuất huyết da dễ nhầm lẫn với viêm mô tế bào hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu hay bệnh lý khác nên phụ huynh cần cẩn thận, không tự ý mua thuốc cho con em mình uống mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, định bệnh chính xác và điều trị thích hợp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, Ban xuất huyết Henoch - Schonlein hay còn được gọi là bệnh lý viêm mạch máu IgA. Đây là bệnh lý viêm mạch máu hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh khởi phát ở lứa tuổi 3 - 15 tuổi và cứ 10.000 trẻ thì có 2 trẻ mắc bệnh lý này.

Bệnh ban xuất huyết Henoch - Schonlein được chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng như:

Tổn thương da: gặp trong tất cả trường hợp bệnh và là tiêu chuẩn bắt buộc phải có để chẩn đoán bệnh. Các tổn thương da có thể gặp: ban xuất huyết (đè vào không mất), chấm xuất huyết, bầm máu. Phân bố của sang thương: vùng chịu trọng lực (chân, mông), đôi khi ở dái tai, cơ quan sinh dục ngoài.

Đau khớp: thường là khớp gối, cổ chân. Có thể đau dữ dội nhưng không biến dạng khớp và không di chứng.

Tổn thương tiêu hoá: đau bụng, nôn ói, tiêu phân đen, tiêu phân máu...

Thận: tổn thương thận là quan trọng vì có thể dẫn tới bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra, bệnh còn có thể tổn thương các cơ quan khác.

Điều trị chủ yếu là giảm đau khớp và đau bụng, theo dõi các biến chứng nặng tại đường tiêu hóa (lồng ruột, thủng ruột...). Tiên lượng bệnh thường tốt nếu không có tổn thương thận. Cho nên, điều quan trọng nhất, theo các bác sĩ là cần theo dõi tổn thương thận. Bởi tổn thương thận có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của bệnh. Vì vậy, phải tái khám theo hẹn của bác sĩ để kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu kể cả khi thấy trẻ đã hồi phục hoàn toàn. Thời gian theo dõi ít nhất là 6 tháng đầu sau khi khởi bệnh.

Căn bệnh khiến người phụ nữ thường xuyên đau đầu, nhức mắt, tụt cân phải nghỉ việc
Căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tâm thần
Căn bệnh cực nguy hiểm ở trẻ nhỏ dễ nhầm lẫn với bệnh viêm phổi
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động