Thứ hai 25/11/2024 09:40

Camera Hikvision có lỗ hổng nghiêm trọng về bảo mật được nhiều đơn vị ở Việt Nam sử dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có cảnh báo về lỗ hổng nghiêm trọng trong sản phẩm camera IP của Hikvision. Lỗ hổng này được nhận định ảnh hưởng đến hơn 100 triệu thiết bị trên toàn cầu trong đó có cả Việt Nam.

Trong thông tin cảnh báo về lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong camera IP Hikvision do Cục An toàn thông tin gửi tới các đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng, tổ chức tổ chức tài chính và hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông cho biết, hãng Hikvision đã công bố lỗ hổng bảo mật CVE-2021-36260 trong sản phẩm camera IP.

Các chuyên gia nhận định đây là lỗ hổng nghiêm trọng, lỗ hổng CVE-2021-36260 trong camera Hikvision cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa mà không cần xác thực, từ đó chiếm toàn quyền kiểm soát thiết bị, thông qua đó có thể truy cập và tấn công mạng nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Hiện nay, camera IP được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng khá phổ biến. Theo đánh giá sơ bộ từ các chuyên gia bảo mật, lỗ hổng CVE-2021-36260 ảnh hưởng đến hơn 100 triệu thiết bị trên toàn cầu trong đó có cả Việt Nam. Vì thế, lỗ hổng này ảnh hưởng khá lớn và có thể gây rủi ro cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Đáng chú ý, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đánh giá: Khả năng mã khai thác của lỗ hổng bảo mật CVE-2021-36260 sẽ sớm được công khai trên Internet trong thời gian sắp tới.

Camera Hikvision có lỗ hổng nghiêm trọng về bảo mật được nhiều đơn vị ở Việt Nam sử dụng
Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và xác định hệ thống thông tin có sử dụng và những hệ thống thông tin có kết nối với thiết bị camera IP Hikvision

Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị mình, góp phần bảo đảm bảo an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và xác định hệ thống thông tin có sử dụng và những hệ thống thông tin có kết nối với thiết bị camera IP Hikvision. Nếu có sử dụng, đơn vị cần thực hiện cập nhật phần mềm, tách riêng dải mạng dùng cho camera và hạn chế truy cập đến các dải mạng khác.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng được khuyến nghị tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Trong trường hợp cần hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) theo số điện thoại 02432091616 và hộp thư điện tử ncsc@ais.gov.vn.

Số liệu thống kê từ NCSC cũng cho thấy, trong tháng 7-2021, đã ghi nhận 1.019 sự cố, nâng tổng số cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam lên 3.934 sự cố. Đáng chú ý, cùng với hình thức tấn công cài mã độc (Malware), số sự cố tấn công lừa đảo (Phishing) cũng gia tăng. Tỷ lệ các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam bằng hình thức Phishing gây ra sự cố chiếm hơn 26,18%, trong 7 tháng đầu năm nay.

Lý giải nguyên nhân số sự cố tấn công mạng tăng cao, nhất là sự cố cài mã độc và tấn công lừa đảo, các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên theo Chỉ thị 16 với nhiều tỉnh, thành đã đưa đến số lượng người dùng, thời gian sử dụng mạng xã hội tăng lên. Vì thế, lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng xấu tiếp tục tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo để chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng và các tổ chức.

Cũng trong thời gian qua, các chuyên gia an toàn thông tin đã liên tục có cảnh báo, khuyến nghị người dùng Internet, mạng xã hội tại Việt Nam cảnh giác trước những hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động